Bất động sản quý 4: Nhà đầu tư đừng tô hồng rồi tự bắn vào chân mình
(DNTO) - Thị trường bất động sản đang chịu những tổn thương do dịch bệnh lần thứ 4. Quý 4 được xem là một thách thức lớn với thị trường này.
Báo cáo về thị trường bất động sản quý 3 của Hiệp hội Môi giới Bất động sản (VARS) vừa công bố hôm nay, 2/10, cho biết, toàn thị trường có hơn 35 ngàn sản phẩm được tung ra, trong đó hơn 16 ngàn sản phẩm được giao dịch. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường đạt trên 40%, riêng phân khúc đất nền đạt tỷ lệ hấp thụ cao nhất với hơn 50%.
Theo Tổng thư ký VARS, ông Nguyễn Văn Đính, trong bối cảnh dịch bệnh tác động mạnh khiến các dự án không thể triển khai dẫn đến nguồn cung thiếu hụt, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giao dịch mua bán khó khăn do các biện pháp giãn cách... thì kết quả trên được xem là những dấu hiệu tích cực của thị trường.
Bước sang quý 4, nhiều yếu tố mới đã xuất hiện khi kế hoạch mở cửa ở nhiều địa phương đang dần từng bước thực hiện, độ phủ vaccine mở rộng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây vẫn là một quý nhiều khó khăn và thách thức với thị trường.
Áp lực tăng giá lớn
Nhận định về thị trường thời gian tới, người đứng đầu VARS cho biết, bất động sản sẽ phải đối mặt với áp lực tăng giá rất lớn.
Điều này được ông Nguyễn Văn Đính lý giải xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, nguồn cung trên thị trường bị hạn chế. Nhiều dự án lớn đang hoàn thiện thủ tục đầu tư nhưng chưa thể tham gia thị trường trong quý tới. Nguồn cung đất nền sẽ chủ yếu đến từ các dự án đấu giá địa phương và tự phát của các nhà thầu nhỏ lẻ. Cùng với việc eo hẹp nguồn cung là sự tăng giá của nguyên vật liệu, giá nhân công, chi phí giải phóng mặt bằng và nhiều yếu tố đầu vào khác sẽ gây áp lực tới giá bất động sản.
Tuy nhiên, bất động sản tại nhiều địa phương vẫn được dự đoán có khả năng sôi động trở lại như Bắc Giang, Thanh Hoá... Trước mắt trong thời gian này, giá bất động sản sẽ tạm thời được điều chỉnh tương đương cùng kỳ 2020. Đối với các dự án không có sự điều chỉnh, vẫn giữ giá như đầu năm 2021 sẽ có tỷ lệ hấp thụ thấp, ông Đính nhận định.
Kỳ vọng tháng 11 sẽ có thanh khoản
Giữ cái nhìn thận trọng về thị trường trong thời gian tới, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia Tài chính Ngân hàng cho biết, nền tảng 3 tháng cuối năm nay cho tới 6 tháng đầu năm 2022 chưa phải là nền tảng cho bất động sản phát triển. Đây không phải là giai đoạn có thể dễ dàng kiếm tiền nhanh từ thị trường này.
Bản thân nhiều nhà đầu tư có tiền cũng đang trong giai đoạn khó khăn vật lộn với dịch bệnh nên sẽ không mạnh tay xuống tiền đổ vào nhà đất. Kỳ vọng sớm nhất là trong tháng 11, thị trường bắt đầu có thanh khoản trở lại, ông Hiển nhận định.
Cũng theo ông Hiển, nhà đầu tư đừng bao giờ so sánh thị trường bất động sản Việt Nam với một số thị trường khác như Mỹ hay châu Âu, những nơi đang có chu kỳ tăng giá mạnh sau đại dịch. Thứ nhất, nếu bên Mỹ, bất động sản thường gắn liền với nhu cầu khai thác, sử dụng thì ở nước ta có giai đoạn lại không dựa vào nhu cầu này. Nhiều nhà đầu tư đổ tiền mua nhưng sau đó để im chờ cơ hội, không cho thuê hay ở.
Thứ hai, theo ông Hiển, sau Covid, Mỹ mở cửa kinh tế và hồi phục khá nhanh và tốt, đây mới là điều quan trọng chống lưng cho bất động sản nước này tăng giá, bên cạnh yếu tố lãi suất rẻ.
"Việt Nam không thể có độ bung kinh tế như Mỹ mà phải cần 6 đến 12 tháng mới ổn định, nhanh nhất là hết quý 1/2022 hoặc phải là quý 4/2022", vì vậy nếu kỳ vọng bất động sản trong nước tăng giá mạnh như Mỹ là rất khó, ông Hiển nhận định.
Cũng theo ông Hiển: "Việt Nam đã có giai đoạn tăng giá cao thì sẽ có giai đoạn điều chỉnh".
"Đừng tự bắn vào chân mình"
Trong khi đó, theo chuyên gia Tài chính Ngân hàng Nguyễn Chí Hiếu, nhà đầu tư không nên đặt nhiều hy vọng vào giai đoạn quý 4 này.
Giải thích về điều này, ông Hiếu cho biết: "Tổng cục Thống kê vừa đưa ra báo cáo tình hình kinh tế xã hội quý 3, trong đó GDP giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, như vậy là tăng trưởng âm, nền kinh tế đang bị tác động mạnh. Với tình hình này, quý 4 chúng ta sẽ đi về đâu. Mục tiêu GDP trong năm nay của nước ta có lẽ khó mà đạt được".
Do đó, theo ông Hiếu, thị trường bất động sản sẽ khó lường trước được rủi ro.
"Các nhà đầu tư bất động sản không nên vẽ lên viễn cảnh màu hồng để tự bắn vào chân của mình", ông Hiếu ví von.