Bạo lực học đường có liên quan đến vai trò nêu gương của người lớn
(DNTO) - Nói đến bạo lực học đường người ta thường nghỉ ngay đến học sinh đánh nhau. Tuy nhiên ngày nay, đối tượng tham gia bạo lực học đường đang “mở rộng” và phức tạp hơn nhiều. Đã có không ít trường hợp thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh đánh học sinh, phụ huynh đánh thầy giáo, thầy giáo đánh phụ huynh... Thậm chí “đỉnh cao” đã xảy ra thầy đánh thầy. Tiếng kêu cứu đang cần hồi đáp.
Chỉ trong vòng nửa đầu tháng ba, đã xảy ra hai vụ bạo lực học đường nghiêm trọng được các clip ghi nhận và lan truyền trên mạng xã hội:
Vụ hiệu trưởng đánh học sinh chảy máu đầu trong giờ học tại Trường Tiểu học Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, TP.HCM. UBND huyện Củ Chi.
Vụ 5 em học sinh cùng khối lớp 9 tham gia đánh một nữ sinh tại Trường THCS Lê Quý Đôn (xã Đăk Djrăng, huyện Mang Yang tỉnh Gia Lai).
Sau khi clip được lan truyền, nhiều người dân cho biết, họ đã qua rồi thời kỳ bàng hoàng, sửng sốt thậm chí sụp đổ tinh thần nhưng vẫn cảm thấy đau lòng, đặc biệt là cực kỳ lo lắng trong tâm trạng bất lực. Bởi số lượng vụ việc xảy ra ngày càng tăng nhanh, liên tiếp, mức độ ngày càng nghiêm trọng; Đối tượng ngày càng mở rộng ở nhiều mối tương quan khác trong môi trường giáo dục như thầy đánh trò, trò đánh thầy, phụ huynh đánh học sinh, phụ huynh đánh thầy giáo, thầy giáo đánh phụ huynh... Thậm chí “đỉnh cao” đã xảy ra thầy đánh thầy.
Việc học sinh đánh nhau trong trường học thời nào cũng có. Nhưng từ việc bộp tai, giựt chỏ, lên gối hoặc đấm nhau một cái, rồi sau đó làm huề… đến việc đánh có tổ chức, đánh hội đồng, giật tóc, cấu xé, lột quần áo, dùng hung khí gây thương tích rồi cô lập “nạn nhân” đã làm cho môi trường học đường mất an toàn đáng lo ngại.
Mối lo ngại càng tăng lên gấp bội phần khi một nhóm học sinh THCS nhốt cô giáo trong phòng học, tấn công cô bằng thái độ, lời nói lẫn hành động ở Tuyên Quang xảy ra hồi cuối năm ngoái. Khi phụ huynh xông vào trường Mầm non Việt Lào ở Nghệ An túm tóc, đánh vào bụng, buộc cô giáo phải quỳ xin lỗi, mặc dù cô đang mang tha; Khi phụ huynh học sinh đánh bạn của con mình tại trường THCS Tân An Thạnh (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) hay tại Trường THCS thị trấn La Hà (Quảng Ngãi); Khi giáo viên đánh gãy ngón tay học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.Tân Bình, TP.HCM...
Thuộc trường hợp xưa nay hiếm, nó vẽ nên một bức tranh vô cùng xấu xí trong môi trường giáo dục là việc hiệu trưởng đứng dưới cờ xin lỗi vì đã đánh hiệu phó đến đi viện, xảy ra tại Trường tiểu học Ngư Bắc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.
Một nỗi đau không gì bù đắp nỗi cho gia đình nhà trường và xã hội là việc một nữ sinh lớp 10 tại Trường THPT chuyên ĐH Vinh chọn cách dừng lại cuộc sống ở tuổi 15 hồi cuối năm ngoái do không chịu nổi mối đe dọa bạo lực học đường.
Phải nói bạo lực học đường hiện nay đã chạm đến cái ngưỡng cao nhất mặc dù nhà chức trách, các cơ quan hữu quan đã từng ra sức, bằng nhiều biện pháp mong muốn kéo giảm nó xuống.
Những nguyên nhân được đề cập thường liên quan đến sự kết hợp lỏng lẻo giữa gia đình và nhà trường. Sự thiếu quan tâm của phụ huynh do bận làm ăn, sự “chìm xuồng” vụ việc do bảo vệ thành tích của nhà trường, sự thiếu nghiêm minh của luật pháp, tác động từ trò chơi bạo lực trên mạng v.v… Đồng thời, những biện pháp khắc phục cũng được đưa ra và thực hiện bằng nhiều hình thức.
Nhưng tại sao bạo lực học đường vẫn càng tăng, càng phức tạp? Ngăn chặn, tư vấn, hòa giải kể cả việc áp dụng kỷ luật trong bạo lực học đường chỉ là cái ngọn. Vấn đề nằm ở vai trò nêu gương của người lớn. Người lớn gần nhất, tác động trực tiếp đến trẻ là người lớn ở ngay trong nhà. Tiếp theo là ban giám hiệu, thầy cô giáo, cô bảo mẫu, thậm chí là bác lao công, bảo vệ trong trường. Cuối cùng là bao gồm tất cả những ai được gọi là người lớn ở ngoài xã hội…
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra: Trẻ con thường xuyên nhìn thấy hoặc bị đối xử bằng bạo lực, khi lớn lên trẻ cũng sẽ giải quyết vấn đề bằng bạo lực.
Trong nhà, cha mẹ suốt ngày cãi cọ đánh chửi nhau. Vô trường, thầy cô giáo, phụ huynh cư xử với nhau bằng bạo lực. Ra ngoài, người lớn chỉ cần một va chạm nhỏ cũng xảy ra ẩu đả, tình địch dẫn nhau ra đường đánh ghen, thậm chí người vi phạm luật giao thông cũng quay qua hành hung người thi hành công vụ…
Trong một xã hội người lớn như vậy thử hỏi trẻ con nhìn vào đâu để mà sống ôn hòa, giải quyết mọi mâu thuẫn bằng hòa giải hòa hợp. Rồi người lớn dựa vào lý lẽ nào để mà giáo dục trẻ con.
Bất kỳ hoàn cảnh nào hãy đừng dạy trẻ lòng căm thù, thôi cách giáo dục tập trung vào lý thuyết, hãy trang bị cho trẻ các kỹ năng sống trong đó có kỹ năng giải quyết vấn đề bằng đàm phán, thương lượng. Người lớn cũng cần quản lý cảm xúc của mình, cần nhìn nhận lại cách sống chuẩn mực làm gương tốt cho trẻ con.