Vụ giáo viên bị học trò ném dép vào đầu: Nỗi đau cần chữa trị tận gốc
(DNTO) - Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn clip ghi lại cảnh một cô giáo bị học sinh tấn công bằng vũ lực khiến dư luận bàng hoàng. Sự việc được xác định xảy ra tại Trường THCS Văn Phú, trên địa bàn huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang vào ngày 29/11.
Dưới đây là những gì mà clip đã ghi lại:
Cô giáo bị một nhóm học sinh nam dồn vào góc lớp trong những tiếng hò reo, chửi bới, cười đùa. Cô giáo trong tư thế không chống cự, chỉ cầm điện thoại ghi lại. Khi thấy cô giáo chuẩn bị cặp xách có ý định rời khỏi lớp học, thì học sinh đã liên tục nhét rác vào cặp của cô. Sau đó chốt cửa lại, không cho cô ra ngoài. Một nam sinh dùng vai hích vào người cô, ghé sát mặt dọa nạt. Một học sinh khác nằm lăn ra đất “ăn vạ”… Trong cảnh hỗn loạn, nhiều chiếc dép được ném liên tục vào người cô giáo. Cô giáo cầm dép lên hỏi ai ném thì không ai nhận. Sau đó, một chiếc dép ném trúng trán khiến cô choáng váng vài giây rồi ngã lăn ra đất…
Bất kỳ là ai khi xem “cuộc chiến” diễn ra cũng sẽ có cảm giác bị nghẹt thở như chính mình đang bị tấn công. Nhiều người phẫn nộ cùng cực, nhiều người không muốn tin, không thể chấp nhận và không ít người sốc như đang bị cú “nốc ao”. Mặc dù việc học sinh hành hung thầy cô giáo thời gian gần đây không còn là hy hữu.
Điển hình là vào năm 2021, không gian mạng cũng đã một phen rúng động khi xuất hiện clip ghi lại hình ảnh trong một tiết học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Ba Đình, Hà Nội, cô giáo đang ngồi trên bục giảng thì đã bị một nam sinh từ dưới đi lên, vừa văng tục vừa với tay lấy lại tai nghe trên bàn cô giáo rồi dùng tay tát vào mặt cô. Lý do là vì em này bị cô giáo tịch thu tai nghe trong giờ học.
Trở lại hình ảnh cô giáo bị học sinh ném dép vào mặt ngã xuống sàn. Sau đó, trên mạng xã hội lại xuất hiện thêm một clip khác cho thấy một khung cảnh vô cùng hỗn loạn tiếp tục xảy ra khi cô giáo bật dậy, cầm dép đuổi đánh học sinh. Học sinh chạy tán loạn, vừa chạy vừa hò reo, chạy ra ngoài chốt cửa. Cao trào là cảnh một học sinh bị đuổi đánh đã cầm ghế ném vào người cô giáo. Gần cuối clip, cô giáo trong tư thế cầm vật giống chiếc giày, ném về phía một học sinh duy nhất còn lại trong lớp.
Từ sự phẫn nộ, chạnh lòng, xót xa, cư dân mạng bỗng thấy thất vọng toàn tập, vẫn là không thể nào tin vào mắt mình cùng với tâm trạng hoang mang, mất phương hướng.
Đến đây thì vấn đề không còn nằm trong khái niệm bạo lực học đường - một tệ nạn nhức nhối mà chúng ta loay hoay bấy lâu nay không thoát ra được. Nếu nói thì chỉ có thể nói bạo lực học đường đã đi đến tận cùng con đường mà nó đang đi.
Xưa nay, học sinh bè nhóm đánh nhau trong nhà trường là chuyện không còn xa lạ. Chuyện thầy cô giáo đánh học sinh cũng là quan điểm giáo dục của một thời đại còn rơi rớt chưa dứt điểm. Chuyện thầy cô bị phụ huynh dùng thế lực thao túng, khống chế, chuyện giáo viên vi phạm các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp… còn đang là điểm nóng chưa giải quyết được. Thì nay, học trò và cô giáo “đánh nhau” trong lớp học xảy ra đã tung một đòn trí mạng, giáng vào bộ mặt giáo dục. Nó báo hiệu nguy cơ của một nền tảng đạo đức suy đồi.
Đã đến lúc chúng ta cần ngồi lại, tử tế xem xét vấn đề từ gốc rễ, thay vì cứ để vụ việc xảy ra rồi giải quyết từng vấn đề một cách hời hợt qua loa.
Cần đặt tất cả các mối quan hệ vào đúng thời điểm, hoàn cảnh của cuộc sống sao cho phù hợp với sự phát triển của thời đại. Chúng ta đang bị lấn cấn, bất cập giữa những quan điểm và phương thức cũ và mới, xưa và nay.
Trong lúc xã hội đang phát triển từng giây bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong khi chuyển đổi số đang là xu hướng thời đại, chúng ta vẫn chưa mạnh dạn thoát ra được những quan niệm tư duy giáo dục cũ kỹ, phương thức điều hành, tổ chức lạc hậu.
Trong bối cảnh tri thức nhân loại đã được cập nhật mới mẻ hằng giờ trên internet thì nên hiểu thầy cô giáo hiện nay chỉ đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở, định hướng chứ không còn là người “cho chữ”. Giáo viên phải xem việc bị “tước” đi một số “quyền lực” vốn có từ ngàn xưa là sự văn minh, phù hợp với quy luật phát triển xã hội, phù hợp với tâm sinh lý của trẻ em trong thời đại ngày nay. Đó là những đứa trẻ có bố mẹ hiện đại có tri thức. Chúng được tiếp cận với đa dạng môi trường sống, là một thế hệ học sinh thông minh, hiếu động, có tư duy độc lập, có kỹ năng phản biện. Chúng không chấp nhận sự áp đặt, khiên cưỡng. Chúng rất nhạy cảm với vai trò nêu gương của người lớn.
Với một xã hội gia đình đầy rẫy bạo lực, từ ngoài đời thực đến trên các nền tảng mạng xã hội… làm sao học đường tránh khỏi. Thực tế có trường hợp vì không vừa ý một giáo viên nào đó, học sinh cấu kết nhau cố tình thao túng tâm lý, đẩy giáo viên vào tâm trạng ức chế khiến thầy cô phát ngôn hoặc hành động thiếu chuẩn mực rồi quay chụp tung lên mạng.
Cho nên, ngoài trang bị kiến thức chuyên môn, thầy cô giáo cần giỏi tâm lý giáo dục học, và trang bị thêm nhiều kỹ năng sống khác bao gồm kỹ năng xử lý tình huống.
Nếu cô giáo có kỹ năng xử lý tình huống thì khi bị học sinh “tấn công”, cô sẽ không đứng im chịu trận như vậy. Trong khi học sinh dùng điện thoại để quay clip, còn cô có điện thoại trong tay lại không biết gọi cho ai, ít nhất là ban giám hiệu hoặc chủ tịch công đoàn để được hỗ trợ. Cô “đơn thương độc mã” dẫn đến tình huống tức nước vỡ bờ, hành động vượt ra ngoài tầm kiểm soát, quay ra “tấn công” trở lại học trò, biến thành một cuộc ẩu đả.
Chuyện mâu thuẫn giữa giáo viên và học sinh, ban giám hiệu không thể không biết. Để giáo viên một mình đối phó với học sinh cá biệt ngay trong trường cũng không hay, không có sự hỗ trợ, bảo vệ và tư vấn kịp thời… đã chỉ ra sự yếu kém về quản lý của đội ngũ lãnh đạo nhà trường.
Nói ai đúng ai sai trong vụ việc này? Câu trả lời là thái độ của cả “hai phía” đều không chấp nhận được, nó nằm ngoài phạm vi chuẩn mực đạo đức xã hội và không phù hợp với kỷ luật trong hoạt động giáo dục.
Nhưng có lẽ chúng ta nên tự hỏi: Từ bao giờ và vì sao học sinh dám có hành vi khủng khiếp đó. Một hiện tượng xã hội đau lòng cần phân tích nguyên nhân và chữa trị tận gốc rễ.