Cần kiềm chế cảm xúc khi tham gia giao thông
(DNTO) - Va quẹt khi tham gia giao thông là không thể tránh khỏi trong tình tình đường sá chật hẹp, xe cộ đông đúc nơi các thành phố lớn. Khi xảy ra va chạm, mọi người nên giữ bình tĩnh, xem xét vấn đề trong ôn hòa, văn minh, lịch sự, tránh xảy ra ẩu đả để lại hậu quả đáng tiếc.
Ngày 9/12, mạng xã hội lan truyền đoạn video clip từ camera hành trình ghi lại cảnh người đàn ông đánh một phụ nữ sau khi va quẹt giao thông. Vụ việc xảy ra khoảng 7g sáng cùng ngày trên đường Khánh Hội, quận 4, TP.HCM.
Hình ảnh trong clip cho thấy người đàn ông được xác định tên Bùi Thanh Khoa và nạn nhân là chị Q.T.T.A. (23 tuổi, ngụ quận 1). Sau khi va chạm, Khoa to tiếng, rồi tới tấp hành hung chị A.
Chị A. trình báo sự việc với cơ quan chức năng. Bùi Thanh Khoa sau đó đã bị Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 (TP.HCM) ra quyết định bắt giữ khẩn cấp.
Những vụ đánh người do va quẹt giao thông trên đường gần đây liên tiếp xảy ra khiến dư luận rất bất bình, phẫn nộ. Vì thế, việc Bùi Thanh Khoa bị cơ quan chức năng xử lý kịp thời đã nhận được sự đồng thuận cao và hầu hết người dân đều đề nghị phạt thật nặng kẻ đánh người để răn đe người khác nhằm hạn chế hòng tiến tới chấm dứt tệ nạn này.
Tham gia giao thông cũng cần có văn hóa
Sự va chạm giữa các phương tiện trong khi tham gia giao thông là chuyện không thể tránh khỏi trong cuộc sống và thường không do cố ý. Nhưng từ cách cư xử thiếu văn hóa, quá đề cao cái tôi cá nhân và lợi ích bản thân; thiếu hiểu biết pháp luật… Từ đó nhiều vụ rắc rối, liên quan đến pháp luật; thậm chí gây thương tích, thiệt mạng, đi tù không phải do tai nạn giao thông mà do ẩu đả xảy ra. Đặc biệt có trường hợp bị hại biến thành bị can, bị cáo… Vì thế, ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông là vấn đề bức thiết cần quan tâm.
Văn hóa giao thông là một phần của văn hóa ứng xử bao gồm ý thức tự giác, cách hành xử có văn hóa, sự kiềm chế cảm xúc, kỹ năng xử lý tình huống, kỹ trao đổi, thương lượng… Muốn được như vậy, không chỉ là cần có một nền tảng giáo dục tốt mà mỗi cá nhân phải rèn luyện không ngừng.
Đàn ông đánh phụ nữ là không chấp nhận được
Trở lại vụ việc nêu ở trên, đánh người đã sai, đằng này đàn ông đánh phụ nữ không chỉ sai mà còn đáng xấu hổ, cần bị lên án mạnh mẽ từ dư luận. Bởi vì về sức mạnh cơ bắp, phụ nữ so với đàn ông là không cân xứng. Họ không có khả năng phản kháng khi bị bắt nạt, hành hung.
Tiếc thay, trong xã hội Việt Nam ngày nay trình trạng đàn ông thượng cẳng tay hạ cẳng chân với phụ nữ vẫn còn khá phổ biến bất kể là quan hệ gì: vợ chồng, bạn bè, người quen và không quen; Bất kỳ ở đâu: trong nhà, nơi công cộng, ngoài phố, trong sân bay…
Để giải quyết thực trạng trên, trước hết cần đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, giáo dục trong cộng đồng nhà trường và gia đình. Khi xảy ra va chạm, mọi người nên giữ bình tĩnh, xem xét vấn đề trong ôn hòa, văn minh, lịch sự, tránh xảy ra ẩu đả để lại hậu quả đáng tiếc. Nếu cần thiết nên thông báo cho cơ quan công an gần nhất đến giải quyết vụ việc.
Cùng với giáo dục, các hình thức xử phạt cũng cần nghiêm minh có tính răn đe những kẻ hung hăng coi thường pháp luật. Nạn nhân bị hành hung nên báo cho cơ quan chức năng biết để xử lý.