Cần xử lý dứt điểm nạn 'quái xế'
(DNTO) - Ngoài gây mất trật tự an toàn giao thông đường phố, vấn nạn “quái xế” còn gây ra những vụ tai nạn chết người rất thương tâm. Thảm trạng này, cần xử lý dứt điểm.
“Quái xế” náo loạn đường phố - những cái chết được báo trước
Rạng sáng 3/11, chị N.H.Q. (sinh năm 1997) điều khiển xe máy đỗ chờ đèn đỏ tại ngã tư Trần Hưng Đạo - Bà Triệu (Hà Nội). Vừa lúc đó, một nhóm "quái xế" thanh thiếu niên điều khiển khoảng 30 xe mô tô chạy chiều ngược lại với tốc độ cao, lạng lách, đánh võng gây ra hai cú tông liên tiếp khiến chị Q. tử vong tại chỗ.
Nạn "quái xế" tụ tập, phóng nhanh vượt ẩu, lạng lách đánh võng, bấm còi inh ỏi khiến người đi đường khiếp sợ và gây ra nhiều vụ tai nạn thương tâm không còn là chuyện hiếm. Đáng lo ngại ở chỗ phần lớn các "quái xế" này nằm trong độ tuổi thanh thiếu niên, cá biệt có em còn đang đi học.
Tại thành phố Hà Nội, chỉ tính trong tháng 10/2024, chưa đầy 1 tháng triển khai kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông lứa tuổi học sinh, lực lượng CSGT – trật tự toàn thành phố đã xử lý hơn 6 nghìn trường hợp vi phạm giao thông trong lứa tuổi học sinh với hàng trăm xe máy bị tạm giữ, hàng chục thanh thiếu niên bị xử lý trong mỗi vụ việc.
Song, cái chết của chị N.H.Q. như giọt nước tràn ly, đẩy sự bàng hoàng, phẫn nộ của cộng đồng lên đỉnh điểm khiến các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc. Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an đã kịp thời chỉ đạo xử lý dứt điểm tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, kể cả hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông.
Xử lý dứt điểm tình trạng đua xe, lạng lách gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông
Ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công an - Đại tướng Lương Tam Quang, nêu rõ quyết tâm xử lý hiệu quả nhằm tiến tới dẹp bỏ tệ nạn này. Đây là chỉ đạo phù hợp với nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, việc làm cần thiết và cần thực hiện trên phạm vi toàn quốc. “Theo tôi, năm 2025, chúng ta tổ chức lấy chủ đề Năm An toàn giao thông 2025 là tập trung vào nhóm đối tượng này", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đưa ra ý kiến.
Chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo quyết liệt hơn, ông đòi hỏi cơ quan chức năng tập trung xử lý mạnh mẽ “xử kịch khung trong điều kiện luật pháp cho phép".
Nhiều người dân tỏ rõ sự bất bình và đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp xử lý triệt để tình trạng này. Cần có những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa, đẩy mạnh truy cứu trách nhiệm hình sự, tịch thu phương tiện và áp dụng các hình phạt bổ sung nhằm tăng tính răn đe song song với tăng cường giáo dục, phổ biến chính sách an toàn giao thông cho đối tượng thanh thiếu niên… cũng là đề nghị của hầu hết người dân.
Nhiều người cho rằng vừa qua chúng ta làm rất tốt việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Nếu chúng ta cũng quyết liệt và làm có căn cơ nhất định sẽ dẹp bỏ được tệ nạn “hung thần trên đường phố” này.
Bước đầu với vụ việc nhóm "quái xế" gây ra cái chết của chị Q. ở Hà Nội, cơ quan chức năng đã khởi tố hình sự 10 thanh niên (độ tuổi từ 16 đến 19).
Phạt nghiêm hành vi giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông
Vụ đoàn xe máy chạy với tốc độ cao gây ra cái chết oan khuất cho Q., cô gái 27 tuổi, thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng giao xe cho người không đủ điều kiện tham gia giao thông, cụ thể là hành vi giao xe cho trẻ vị thành niên tham gia đua xe trái phép ngoài đường phố của bố mẹ và người giám hộ.
Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ vi phạm trật tự an toàn giao thông gây chết người trong lứa tuổi thanh thiếu niên xảy ra phổ biến thời gian qua.
Đề cập đến vai trò trách nhiệm của gia đình trong vụ việc này, bà Nguyễn Thị Việt Nga (đại biểu quốc hội đoàn Hải Dương) cho rằng: "Bố mẹ không thể vô can trong việc này, đặc biệt với con em vị thành niên”. Theo bà Nga, hầu hết các cuộc đua xe diễn ra vào đêm muộn. Quản lý con em vào ban đêm thuộc trách nhiệm của gia đình. Không thể nói tại con tự ý lấy xe đi ra đường nếu như bố mẹ không giao chìa khóa xe cho chúng.
Đồng tình với ý kiến này, ông Phạm Văn Hòa (đại biểu Quốc hội đoàn Đồng Tháp), Ủy viên Ủy ban Pháp luật cho rằng: "Nếu không có sự dung túng của người lớn thì con em làm sao có phương tiện đi được? Do vậy, chỉ có cách là tịch thu xe, phạt thật nặng".