Bài 4: PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Ngân hàng cho vay dưới hình thức trái phiếu làm đảm bảo là không chấp nhận được
(DNTO) - Các chuyên gia lo ngại việc ngân hàng trở thành sân sau của doanh nghiệp trong việc phát hành trái phiếu, sẽ gây ra nhiều rủi ro cho bản thân ngân hàng và hệ thống tài chính nói chung.
Số liệu báo cáo tài chính năm 2021 cho thấy, số dư cho vay kinh doanh bất động sản tại một số ngân hàng tăng trưởng tới ba chữ số, điển hình như Nam A Bank (136%) và Bac A Bank (128%). Nhiều ngân hàng khác như MSB, HDBank, MB, OCB,... cũng ghi nhận dư nợ cho vay tăng mạnh trong năm.
Thời gian qua, việc tăng trưởng nóng của thị trường bất động sản, chứng khoán với sự tham gia ồ ạt của các nhà đầu tư lướt sóng, sử dụng đòn bẩy tài chính từ vốn vay ngân hàng, nguy cơ gây ra nhiều rủi ro cho thị trường tài chính nói riêng và kinh tế đất nước nói chung.
Để phân tích sâu hơn về góc độ quản trị rủi ro của các ngân hàng thương mại trong hoạt động cho vay, kiểm soát tốc độ tăng dư nợ tín dụng và chất lượng tín dụng, Doanh Nhân Trẻ đã có cuộc trò chuyện cùng PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính.
PV: Chuyên gia đánh giá như thế nào về tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng của các ngân hàng thương mại trong thời gian qua?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Việc cho vay là nhiệm vụ lớn và đem lại nhiều lợi ích cho ngân hàng thương mại Việt Nam trong thời gian qua và thời gian tới. Việc ngân hàng tăng cường cho vay là một đòi hỏi quan trọng.
Tuy nhiên, việc cho vay của ngân hàng phải tuân thủ quy định cụ thể của Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại. Đó là các doanh nghiệp vay vốn phải không có khoản nợ xấu, làm ăn kinh doanh có lãi hoặc có các dự án chứng minh được hiệu quả kinh tế…
Đặc biệt là vấn đề liên quan đến vật tư, tài sản làm đảm bảo cho hoạt động vay vốn. Trong đó có quy định vật tư tài sản nào được coi là tài sản đảm bảo và nó là cơ sở để sau này ngân hàng có thể thu hồi vốn vay của mình. Trong trường hợp không thu hồi được thì chính tài sản đảm bảo đó được ngân hàng thực hiện việc phát mãi để thu hồi vốn và lãi cho vay.
Tất nhiên, khi cho vay thì ngân hàng hay cá nhân đều mong muốn doanh nghiệp ăn nên làm ra, có khả năng trả nợ vay và lãi vay, từ đó giúp cho sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế tốt hơn, cũng như giúp cho hoạt động của cơ quan quản lý và doanh nghiệp công khai, minh bạch hơn.
Đây là vấn đề đang được quan tâm. Nếu như tài sản đảm bảo không đáp ứng các yêu cầu theo quy định, thì các nhà quản lý cũng như ngân hàng gánh chịu rủi ro rất lớn, thậm chí có thể bị khép vào tội hình sự. Bởi ngân hàng chấp nhận những tài sản thế chấp không nằm trong danh mục là vi phạm luật pháp. Vì vậy các ngân hàng, các cán bộ cho vay cẩn trọng, xem xét tài sản đảm bảo này.
* Trong năm 2021 đã chứng kiến tình trạng cho vay bất động sản, chứng khoán ồ ạt của một số ngân hàng, trong đó báo chí phản ánh xuất hiện hiện tượng thế chấp bằng trái phiếu doanh nghiệp. Theo chuyên gia, việc này gây rủi ro gì cho phía ngân hàng?
- Ngân hàng có thể lấy cổ phiếu doanh nghiệp để làm tài sản thế chấp, nhưng nếu lấy trái phiếu, tức lấy khoản vay này để làm đảm bảo cho khoản vay khác thì đây là điều mất an toàn. Bởi bản thân khoản vay ngân hàng đòi hỏi phải có vật tư đảm bảo, được giải ngân theo tiến độ thực hiện của các dự án, chịu sự quản lý, giám sát chặt chẽ của ngân hàng. Các tài sản đảm bảo đó, khi các doanh nghiệp vay và không trả được nợ thì có thể được mang ra bán đấu giá, thu hồi nợ vay và lãi vay.
Còn trái phiếu thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người mua trái phiếu là trái chủ. Rõ ràng đây là hợp đồng dân sự, nếu doanh nghiệp không trả được lãi vay thì họ phá sản, như vậy nếu đưa trái phiếu doanh nghiệp làm vật tư đảm bảo thay các tài sản khác là điều không thể chấp nhận, tính an toàn không có.
Từ trước đến nay, chúng tôi lo ngại nhất là việc ngân hàng giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu, để từ đó doanh nghiệp có thể trả được nợ vay ngân hàng khi đến hạn, tránh tiếng nợ xấu và bị ghi vào sổ đen ngân hàng.
Điều này rất dễ xảy ra, tức từ việc cho vay có vật tư đảm bảo, có quản lý giám sát chặt chẽ việc sử dụng vốn của doanh nghiệp, đến việc cho vay theo kiểu hợp đồng dân sự, dưới hình thức phát hành trái phiếu, giao một đống tiền cho doanh nghiệp tự kinh doanh, tự sử dụng và sự giám sát rất ít và khó. Mang tiền cho vay dưới hình thức trái phiếu làm đảm bảo cho một khoản vay ngân hàng là không chấp nhận được.
* Hiện một số ngân hàng đã tăng lãi suất cho vay mua nhà, sửa chữa nhà cửa từ 0,5 - 1,5%/năm như một động thái nhằm tăng cường kiểm soát tín dụng chảy vào bất động sản. Tác động của việc này đối với thị trường bất động sản sẽ ra sao, thưa ông?
- Động thái siết chặt việc cho vay vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán là cần thiết, quan trọng để tránh khủng hoảng, tạo ra bong bóng khi lượng vốn đổ vào thị trường này tương đối lớn. Chính vì lẽ đó, trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu các ngân hàng thương mại đưa tỷ lệ cho vay bất động sản trên tổng số vốn vay ngân hàng thương mại về mức quy định, khung cứng thường là 8%.
Như vậy, với ngân hàng cho vay dưới mức này thì họ vẫn có thể tiếp tục cho vay vào những lĩnh vực phù hợp. Với những ngân hàng nào tiếp tục cho vay vượt quá mức này thì phải tìm cách đưa về mức 8%. Tuy nhiên, về mặt nguyên tắc, việc cho vay để người dân mua nhà, xây dựng, sửa chữa nhà ở là việc cần thiết để đảm bảo việc nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Trên thực tế, đây cũng là một biện pháp để giúp cho xã hội ổn định, tăng trưởng, phát triển. Bởi có an cư mới lạc nghiệp, khi người dân đã có nhà thì mới có thể tích cực lao động sản xuất hơn, giảm tệ nạn. Thực tế, việc cho vay mua nhà, đặc biệt với những chủ thể mua nhà thật, nhu cầu thật và điều xã hội, Đảng và Nhà nước mong muốn.
Vì vậy, siết nguồn vốn bất động sản nên siết vào các doanh nghiệp có đầu tư xây dựng tràn lan, nguồn lực tài chính không đảm bảo và khả năng vay nợ, trả nợ khó khăn. Mặt khác, vẫn cho vay đối với các doanh nghiệp có năng lực tài chính tốt, khả năng tập trung nguồn lực để đầu tư trọng điểm, có sản phẩm đưa ra thị trường trong một thời gian phù hợp. Đây là điều cần thiết và quan trọng vì nếu có cầu nhưng không có cung sẽ đẩy giá bất động sản tăng lên, cũng rất nhiều hệ lụy. Như vậy vẫn cung cấp vốn vay cho thị trường bất động sản, nhưng ở mức vừa phải.
Thứ hai là cung cấp cho những người mua nhà thật, có nhu cầu thật để ở. Điều này không hề trái với mong muốn thanh lọc thị trường bất động sản, làm cho thị trường bất động sản giảm bớt nhà đầu cơ, giảm bớt người kinh doanh chộp giật, mà chỉ còn người cần vốn thật, như vậy rất tốt.
Xin chân thành cảm ơn ông !
Bài 3 - TS. Vũ Đình Ánh: 'Siết' bất động sản không hợp lý sẽ chỉ làm lợi cho nhà đầu tư nước ngoài'