Áp lực lạm phát gia tăng, tuy nhiên kiểm soát lạm phát cả năm vẫn sẽ đạt mục tiêu đề ra
(DNTO) - Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, dựa trên các số liệu về cung tiền, vòng quay tiền và mặt bằng giá cả hiện nay thì thấy rằng, chúng ta hoàn toàn có thể yên tâm về lạm phát, CPI bình quân năm 2023 tăng 4,5% so với bình quân năm 2022 (theo mục tiêu đề ra).
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 9/2023 của Việt Nam tăng 3,66% so với cùng kỳ (tăng so với mức tăng 2,96% so với cùng kỳ của tháng 8/2023). So với tháng trước, CPI tháng 9 tăng 1,08%, đây là mức tăng theo tháng cao nhất trong 31 tháng qua.
Giáo dục là nhóm có mức tăng giá mạnh trong tháng 9, khi chỉ số CPI của các mặt hàng giáo dục tăng 8,06% so với tháng trước do một số địa phương tăng học phí ở mọi cấp học theo Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh. Việc tăng học phí đã được lên kế hoạch trước đó theo lộ trình của Nghị định số 81 của Chính phủ. Ngoài ra, giá gạo trong nước tăng (+14% trong hai tháng gần đây), cùng với giá xăng dầu và giá thuê nhà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên lạm phát.
Trong quý 3/2023, lạm phát bình quân của Việt Nam ở mức 2,89%, khớp với dự báo của Khối phân tích VNDirect. Trong 9 tháng của năm 2023 lạm phát bình quân của Việt Nam ở mức 3,16%. Theo đó, áp lực lạm phát sẽ được kiểm soát nhờ tổng cầu nội địa vẫn còn yếu trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thấp.
"Chúng tôi dự báo CPI quý 4/2023 của Việt Nam sẽ tăng 3,8% so với cùng kỳ, và chúng tôi duy trì dự báo CPI bình quân năm 2023 của Việt Nam sẽ có mức tăng 3,3% so với cùng kỳ (với sai số +/-0,2 điểm %), và mức tăng này vẫn nằm trong mục tiêu kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4,5% trong năm nay của Chính phủ", ông Đinh Quang Hinh, Khối phân tích thuộc VNDirect nhận định.
Theo tính toán của Viện Đào tạo và Nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), dự báo lạm phát của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ dừng ở mức khoảng 3,5-4%, tạo dư địa để yên tâm phục hồi và kích thích tăng trưởng. Đưa ra phân tích của mình, TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, cho biết cơ sở để đưa ra nhận định nói trên là cung tiền đưa ra nền kinh tế hiện vẫn còn rất thấp; vòng quay tiền chậm, ngay cả những tháng cuối năm có nhanh hơn cũng không đáng lo ngại.
Hơn nữa, mặt bằng giá cả thế giới và trong nước về cơ bản tương đối ổn định. “Rất nhiều người quan tâm liệu chúng ta có nới lỏng chính sách tiền tệ sớm quá hay không, điều này có thể ảnh hưởng đến lạm phát và gây ra những bất ổn. Dựa trên các số liệu về cung tiền, vòng quay tiền và mặt bằng giá cả, chúng tôi thấy rằng hoàn toàn có thể yên tâm về lạm phát”, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói.
Cũng theo TS Lực, lạm phát thấp duy trì nửa đầu năm là một trong những yếu tố thuận lợi trong công tác điều hành của Chính phủ. Trên nền tảng cấu trúc cốt lõi là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, Chính phủ đã có sự chuyển hướng chính sách quan trọng khi xác định tập trung ưu tiên hơn cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo định hướng này, Việt Nam đã có bước nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất từ khá sớm để bơm vốn vào nền kinh tế. Đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương sửa Nghị định 81 của Chính phủ theo hướng chưa áp dụng lộ trình cơ chế thu, quản lý học phí và không tăng học phí năm học 2023-2024...
Trên cơ sở mục tiêu kiểm soát lạm phát cả nằm ở mức 4,5%, Bộ Tài chính cập nhật 2 kịch bản lạm phát. Cụ thể, kịch bản 1 là với giả thiết quý 4/2023 so cùng kỳ năm 2022, giá xăng dầu tăng 10%, giá gas tăng 7%, giá lương thực, thực phẩm tăng 4%, giả diện sinh hoạt tăng 3%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 9%, gia dịch vụ y tế tăng 2,5%, giá dịch vụ giao dục tăng 8%. Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,2% so với năm 2022.
Kịch bản 2: Giả thiết quý 4/2023 so cùng kỳ năm 2022, giá xăng dầu tăng 20%, giá gas tăng 15%, giả lương thực, thực phẩm tăng 4,5%, giá điện sinh hoạt tăng 8%, giá vật liệu xây dựng tăng 5%, giá nhà ở thuê tăng 10%, giá dịch vụ y tế tăng 4,5%, giá dịch vụ giáo dục tăng 9%. Dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng khoảng 3,6% so với năm 2022.
Với các kịch bản trên, Bộ Tài chính dự báo CPI bình quân năm 2023 tăng trong khoảng 3,2-3,6%. Còn theo dự báo của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân trong khoảng 3,3%-3,6%. Ngân hàng Nhà nước dự báo lạm phát bình quân năm 2023 tăng trong khoảng ở mức 3,4 ±0,3%.
Về dư địa kiểm soát lạm phát, theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau so với tháng trước, thì trong 3 tháng còn lại, CPI mỗi tháng so với tháng trước còn dư địa tăng khoảng 2,58%. Như vậy, CPI bình quân năm 2023 tăng 4,5% so với bình quân năm 2022 (theo mục tiêu đề ra).