8.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ 140 tỷ đồng để chuyển đổi số năm 2024
(DNTO) - Tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) năm 2024 để chuyển đổi số là 140 tỷ đồng, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 800 doanh nghiệp.
Bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững, ngày 5/6.
Theo bà Hương, Việt Nam có gần 900.000 doanh nghiệp đang hoạt động và có trên 90% nhỏ và siêu nhỏ. Tuy nhiên, theo khảo sát của Cục Phát triển doanh nghiệp, đa số doanh nghiệp chưa sẵn sàng với chuyển đổi số và chưa biết tìm kiếm kênh hỗ trợ cho chuyển đổi số ở đâu. Vì vậy, Cục Phát triển doanh nghiệp với vai trò là cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp, đã và đang cố gắng thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.
Cũng tại Diễn đàn, bà Đỗ Thị Phương Lan, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo cho biết, dù Việt Nam đã nỗ lực xây dựng khung pháp lý khuyến khích đổi mới sáng tạo, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, song vẫn cần có sự hoàn thiện trong thời gian tới.
Thực tế cũng đang cho thấy, các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo còn dàn trải, chưa tập trung sâu vào từng ngành, nghề, lĩnh vực; còn hạn chế trong việc xây dựng tổ chức ươm tạo, huấn luyện, tư vấn khởi nghiệp; thiếu kết nối giữa các viện, trường đại học với ý tưởng khởi nghiệp. Khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Các doanh nghiệp, nhà đầu tư hiện vẫn gặp không ít khó khăn khi thực hiện các dự án đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ, khi đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ ra thị trường.
Phân tích sâu bảng xếp hạng GII từ năm 2017 đến năm 2023 cho thấy, hạn chế lớn trong đổi mới sáng tạo tại Việt Nam chủ yếu vẫn nằm ở cơ sở hạ tầng; nguồn nhân lực và nghiên cứu; trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Vấn đề cần lưu tâm là một bộ phận lớn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học và công nghệ còn hạn chế, kết quả chưa cao.
"Doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều trở ngại khi đổi mới sáng tạo. 75% doanh nghiệp được khảo sát trong báo cáo khẳng định rằng, việc chưa được nhận thức đầy đủ về vai trò của đổi mới sáng tạo mở dẫn đến động lực hiện thực hóa chưa rõ ràng", Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo nói.
Thông tin về các chính sách, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, cho hay hiện nay định hướng chuyển đổi số doanh nghiệp được thông qua: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Những chính sách này đã đưa ra các nhiệm vụ cần thiết và giải pháp nhằm thúc đẩy và đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách đã được thể chế hóa trong Luật Hỗ trợ DNNVV và các Nghị định, cũng như các thông tư của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính, trong đó trong đó bổ sung căn cứ pháp lý triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển đổi số, như: Hỗ trợ tối đa 50% giá trị hợp đồng tư vấn chuyển đổi số, tối đa 50 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp nhỏ; 100 triệu đồng/hợp đồng/năm đối với doanh nghiệp vừa; Hỗ trợ 50% chi phí cho doanh nghiệp thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số, tối đa 20 triệu đồng/năm/doanh nghiệp siêu nhỏ; 50 triệu đồng/năm/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/năm/doanh nghiệp vừa.
Tổng kinh phí ngân sách bố trí hỗ trợ DNNVV năm 2024 là 140 tỷ đồng để hỗ trợ cho DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV, dự kiến hỗ trợ đào tạo cho hơn 8.000 doanh nghiệp, bao gồm cả hình thức đào tạo trực tiếp và trực tuyến, tư vấn và hỗ trợ ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số cho hơn 800 doanh nghiệp.
Đặc biệt, Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp Chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 vào ngày 7/01/2021.
Bà Hương cũng thông tin thêm, các hoạt động chính của Chương trình 2021-2025 tập trung vào 5 hoạt động: Xây dựng tài liệu kiến thức; Đào tạo chuyển đổi số; Mở rộng mạng lưới chuyên gia; Hỗ trợ tư vấn chuyên sâu; Hỗ trợ giải pháp; Truyền thông.
Ở góc độ doanh nghiệp, bàn về vấn đề này, ông Vương Đình Vũ, Giám đốc BuyMed, bày tỏ: Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất. Điều này giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra, giúp sự vận hành không bị tắc nghẽn, tránh được các tác động xấu có ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.
Đồng thời, sự liên kết thông tin còn giúp người điều hành có thể chủ động và dễ truy xuất báo cáo về các hoạt động của doanh nghiệp. Mọi hoạt động của doanh nghiệp, như: Ghi nhận doanh số, biến động nhân sự, tệp khách hàng tìm hiểu sản phẩm… sẽ được thể hiện trên các phần mềm quản trị doanh nghiệp, giúp quản lý doanh nghiệp hiệu quả và minh bạch hơn.
"Tuy nhiên, có một sự khác biệt rõ ràng giữa thực tế chuyển đổi số, cũng như sự kỳ vọng về hiệu quả của chuyển đổi số. Dù BuyMed đã làm việc với hơn 2.000 công ty dược phẩm và các nhà bán hàng uy tín, nhưng khi đối mặt với rào cản thị trường, thì việc tiếp cận khách hàng trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, tình trạng thuốc giả và quảng bá mức giá trị của sản phẩm đã khiến cho các doanh nghiệp cung ứng dược phẩm bị sụt giảm doanh thu", Giám đốc BuyMed bày tỏ.
Theo ông Vũ, nhân tố chính sách và tiếp cận chính sách cũng là vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp trong chuyển đổi số gắn với đổi mới sáng tạo. Do không tiếp cận chính sách của nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, nên khiến doanh nghiệp mất đi cơ hội phát triển. Theo đó vị này mong muốn các cơ quan, ban, ngành có thể tạo ra những tiêu chuẩn ngành để làm căn cứ cho việc thực hiện đồng bộ, góp phần minh bạch sản phẩm, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. Đồng thời, các cơ chế quản lý cần hướng đến tạo lập tính đồng bộ tránh chồng chéo, gây lãng phí nguồn lực...