1.000 tấn mận máu Hoàng Su Phì sắp vào vụ thu hoạch
(DNTO) - Niên vụ 2021, sản lượng mận máu (mận đỏ) tại huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang ước đạt 500 – 1.000 tấn.
Ông Lý Chòi Nhàn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) cho biết, năm nay cả huyện có trên 400 ha mận máu, dự kiến sẽ thu hoạch vào cuối tháng 6 với sản lượng ước đạt từ 500 – 1.000 tấn.
“Đây là sản lượng mận rất lớn, vì vậy chúng tôi mong muốn kết nối với nhiều thương nhân các vùng để tiêu thụ mận cho bà con Hoàng Su Phì”, ông Nhàn chia sẻ.
Những vụ trước, thương nhân, người dân các nơi đều đến trực tiếp các nhà vườn tại huyện Hoàng Su Phì để thu mua mận.
Năm nay, huyện Hoàng Su Phì đang nghiên cứu phát triển thêm mô hình “Cây mận nhà tôi”. Theo đó, người mua sẽ thỏa thuận với người trồng để mua những cây mận trong khoảng thời gian nhất định. Người trồng sẽ phụ trách chăm sóc và người mua có thể theo dõi tiến trình trồng mận trên một phần mềm được cài đặt ở điện thoại.
“Người mua có thể tự thỏa thuận với bà con về số lượng cây, giá thành… và chính quyền sẽ hỗ trợ thu mua”, ông Nhàn cho hay.
Trong những năm gần đây, mận máu Hoàng Su Phì rất được thị trường ưa chuộng bởi vị giòn, ngọt; giá thành dao động từ 40 - 80 nghìn đồng/kg.
Từ năm 2012, huyện Hoàng Su Phì đã có phương án phát triển loại cây này gắn với phát triển du lịch.
Năm 2018, UBND huyện Hoàng Su Phì ban hành Phương án Phát triển cây lê và mận máu theo hướng hàng hóa giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025; trong đó, xã Chiến Phố nằm trong vùng quy hoạch trọng điểm phát triển cây mận máu.
UBND huyện Hoàng Su Phì cũng phối hợp với Viện nghiên cứu Rau quả (thuộc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam), thực hiện Đề tài khoa học cấp Bộ, được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt thực hiện trong giai đoạn 2019 - 2023 về “Khai thác và phát triển nguồn gen bản địa cây mận máu tại Hà Giang”.
Đồng thời, huyện Hoàng Su Phì bắt tay vào xây dựng mô hình thâm canh quy mô, xây dựng kỹ thuật chăm sóc, xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mận máu, Chí Kháy Là.
Ngoài ra, huyện cũng hỗ trợ 100% cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc, hỗ trợ chi phí xây dựng mô hình…, cho bà con để mở rộng diện tích, ứng dụng kỹ thuật vào trồng, chăm sóc cây và hướng đến phát triển bền vững cây mận máu theo hướng sản xuất tập trung hàng hóa, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.