1 triệu phiên giao thương trực tuyến giúp doanh nghiệp tìm bạn hàng trong đại dịch
(DNTO) - Các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng trên nền tảng số đã giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí trong khi vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với các đối tác.
Thông tin từ Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương cho biết, trước đại dịch Covid-19 làm đình trệ việc giao thương trực tiếp, Bộ Công thương tiên phong sáng tạo, ứng dụng các mô hình xúc tiến thương mại trực tuyến và hybrid (trực tiếp kết hợp trực tuyến) tại Việt Nam. Hàng trăm chương trình xúc tiến thương mại trực tuyến như các hội nghị giao thương trực tuyến, hội chợ triển lãm trực tuyến, ứng dụng công nghệ livestream quảng bá sản phẩm trên các nền tảng số… được triển khai thời gian qua.
Cụ thể, trong năm 2020-2021, Bộ Công Thương và các bộ ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp đã tổ chức trên 1.000 hội nghị xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế bằng hình thức trực tuyến. Kết quả là trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến được thực hiện, hàng trăm nghìn doanh nghiệp Việt Nam đã được hỗ trợ xúc tiến thương mại trực tuyến với các đối tác trong và ngoài nước.
Các hoạt động xúc tiến thương mại đa dạng đã giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu tiết kiệm chi phí trong khi vẫn duy trì và phát triển tốt quan hệ với đối tác; huy động toàn bộ hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài vào cuộc, góp phần hỗ trợ đắc lực cho các địa phương, doanh nghiệp và đặc biệt là người nông dân trong việc tiêu thụ nông sản hàng hóa trong hoàn cảnh không thể thực hiện được các hoạt động xúc tiến thương mại theo phương thức trực tiếp.
Không chỉ tổ chức cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia các hội chợ triển lãm quốc tế online tại Nhật Bản, Trung Quốc, EU… Bộ Công thương đã phối hợp với các đối tác chuyên ngành trực tiếp triển khai các hội chợ triển lãm thực tế ảo như Foodexpo (2020 và 2021), Internet Expo (2021) thu hút trên 40 quốc gia tham dự sự kiện, gần 1.000 gian hàng trực tuyến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, thu hút trên 15.000 khách hàng tham quan và làm việc với các gian hàng.
Bộ đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử trong nước (Shopee, Lazada, Sendo, Postmart, Voso) hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ nông sản chính vụ phục vụ các thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM; đồng thời đã có các phương án hỗ trợ các địa phương có các sản phẩm mùa vụ như Hải Dương, Bắc Giang, Hưng Yên, Bình Thuận, Sơn La, Đồng Tháp, Cà Mau, Tiền Giang… tiếp cận và tiêu thụ sản phẩm thông qua kênh thương mại điện tử.
Ngoài việc hỗ trợ đầu ra cho nông sản trong nước, Bộ Công thương cũng là đầu mối trực tiếp làm việc với các sàn thương mại điện tử quốc tế như sàn Alibaba.com và Amazon.com hỗ trợ xuất khẩu cho các sản phẩm tiềm năng của Việt Nam như sản phẩm chế biến, gia dụng, dệt may, da giày, tiểu thủ công nghiệp, hàng công nghiệp…
Các hoạt động này không chỉ mang lại các kết quả ban đầu mà còn khẳng định là giải pháp đổi mới phù hợp với bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thay thế cho nhiều hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống bị dừng đột ngột, đồng thời bắt nhịp nhanh nhạy với chuyển đổi số trong nền kinh tế.