'Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5% tổng lượng nhập khẩu ở thị trường Trung Quốc'
(DNTO) - Nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc năm 2022 là trên 260 tỷ USD, thì Việt Nam mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5% trong kim ngạch thương mại. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam vẫn chưa khai thác được thị trường tiềm năng này. Đây là những điều "đáng tiếc" trong hợp tác thương mại Việt - Trung.
Phát biểu tại Diễn đàn "Thúc đẩy giao thương nông sản, thực phẩm giữa Việt Nam - Trung Quốc (Vân Nam)", sáng nay, 10/2, ông Tô Ngọc Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng, Trung Quốc là thị trường quan trọng hàng đầu, là đối tác thương mại số 1 của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,5 tỷ USD. Tỷ trọng xuất nhập khẩu với Trung Quốc trong tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam chiếm đến 24%.
Thông tin cụ thể về vai trò của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc trong hợp tác kinh tế, thương mại 2 nước, ông Sơn cho biết, tỉnh Vân Nam có đường biên giới với 4 tỉnh Việt Nam là Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên; là cửa ngõ phía Tây Nam của Trung Quốc. Tỉnh Vân Nam nằm trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh và 4 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Đặc biệt, dân số của tỉnh là 47 triệu người và đời sống người dân ngày càng cải thiện...
“Tuy có vị trí, vai trò quan trọng và nhiều tiềm năng như vậy nhưng hợp tác kinh tế, thương mại của Việt Nam với địa phương nước bạn còn chưa được như kì vọng”, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, bày tỏ.
Ông Sơn thông tin, năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 53 tỷ USD, trong đó thị trường Trung Quốc đóng góp hơn 14 tỷ USD. Nếu xét đến tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc là trên 260 tỷ USD, thì chúng ta mới chiếm tỷ trọng chưa đến 5% trong kim ngạch thương mại biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Nhiều cửa khẩu vẫn chưa phát huy được lợi thế...
Từ đó, ông Sơn cho rằng, đối với công tác tổ chức sản xuất, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương của Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu; xây dựng vùng sản xuất, nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn; định hướng sản xuất, nuôi trồng theo tín hiệu thị trường.
Trong quản lý chất lượng, cần tăng cường quản lý giám sát chất lượng hàng xuất khẩu từ nuôi trồng, đến gia công; tăng cường tập huấn và nhân rộng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP, HACCP.
Nhấn mạnh đối với các doanh nghiệp, ông Sơn cho rằng cần nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc; tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam – Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Các doanh nghiệp cần tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngôn ngữ; nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường...
Để thương mại Việt Nam không bỏ lỡ những cơ hội thuận lợi trong thời gian tới, ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Việt Nam, kiêm Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, cho rằng, chính sách thương mại biên mậu với Trung Quốc cũng có nhiều ảnh hưởng với rau quả tươi.
"Việc liên quan đến thuế giá trị gia tăng, chúng tôi đã có kiến nghị cụ thể với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công thương liên quan đến RCEP (Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực). Làm thế nào để giảm bớt cản trở, thuận lợi cho doanh nghiệp. Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp tốt với Hải quan Trung Quốc để giữ cho việc xuất khẩu thuận lợi. Bộ cũng đang đàm phán với đối tác Trung Quốc về việc đề xuất nhóm hoa quả tiếp theo: bưởi, bơ, na, roi, thảo quả, dứa", ông Hòa cho hay.
Cũng theo ông Hòa, một trong những chiến lược xuất khẩu của Việt Nam là tuyến đường sắt Hà Nội Lào Cai, kết nối với đường biển, đường bộ từ các nước ASEAN qua. Đây là vấn đề cần hoàn thiện, đẩy nhanh tốc độ triển khai.