Việt Nam cần 1 tỷ USD mỗi năm cho vấn đề nước sạch
(DNTO) - Vẫn có khoảng 60% dân số cả nước chưa tiếp cận được nước sạch. Ngay tại khu vực đô thị, tới 14% cư dân vẫn chưa được dùng nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung...
Xã hội hoá ngành nước đã bắt đầu từ năm 2005, tuy nhiên gần đây phong trào này không còn mạnh mẽ như trước. Đâu là lý do của vấn đề?
Còn khoảng 60% dân số "khát nước"
Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, trong giai đoạn 2011-2015, tổng đầu tư xã hội cho lĩnh vực này là 42.121 tỷ đồng. Trong đó ngân sách Trung ương chiếm 15%, ngân sách của các nhà tài trợ chiếm 6,5%, ngân sách địa phương lồng ghép các dự án là 8,6%, ngân sách viện trợ quốc tế 8,8%, nguồn xã hội hoá 7,3%, nguồn tín dụng ưu đãi 53,8%.
Nhưng điều đáng lo ngại, giai đoạn 5 năm tiếp sau, tổng đầu tư xã hội cho lĩnh vực này chỉ có 19.700 tỷ đồng - sụt giảm hơn một nửa so với giai đoạn trước.
Đến nay vẫn có khoảng 60% dân số cả nước chưa tiếp cận được nước sạch. Ngay tại khu vực đô thị, chỉ có 86% dân cư tiếp cận được với nước sạch, 14% cư dân chưa tiếp cận được nước máy từ hệ thống cấp nước tập trung.
Trong khi, tính toán của Ngân hàng Thế giới cho rằng, từ năm 2020 trở đi, mỗi năm Việt Nam cần ít nhất 1 tỷ USD cho vấn đề cấp nước.
Để tăng khả năng cấp nước cho các khu vực, nhất là khu vực nông thôn, miền núi, Nhà nước đã có nhiều chính sách xã hội hoá, thu hút nguồn lực bên ngoài đầu tư vào ngành nước.
Tuy nhiên, tại toạ đàm "Xã hội hoá đầu tư ngành nước: Cơ hội và thách thức" ngày 22/4, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam cho biết, việc xã hội hoá vẫn gặp nhiều khó khăn. Thách thức lớn nhất vẫn là thể chế, cơ chế thu hút nguồn vốn từ doanh nghiệp tư nhân chưa hấp dẫn.
Đơn cử, ông Điệp dẫn chứng, chính sách về giá nước hiện nay sau khi nguồn nước đã xử lý, giá bán chỉ bằng 1/10 so với chi phí bỏ ra… nên rất khó thu hút đầu tư.
Không những thế, bà Hà Thanh Hằng, Trưởng ban chính sách hợp tác Quốc tế, Hội cấp thoát nước Việt Nam, cho rằng rào cản lớn nhất với các doanh nghiệp tư nhân là chính sách đã có nhưng để tiếp cận được chính sách và lấy được vốn ra rất khó khăn, vì đòi hỏi quá nhiều thủ tục. Cơ chế chính sách được ban hành sớm nhưng điều kiện để thực hiện chưa đồng bộ.
Ông Nguyễn Linh Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, doanh nghiệp không thiếu tiền chỉ thiếu cơ chế. Muốn xã hội hoá được cần tháo bỏ được cơ chế khó khăn. Các văn bản, nghị định, thông tư đã có nhưng để vận hành chính sách đó là một vấn đề.
Chúng ta cũng cần phải truyền đi thông điệp rõ ràng rằng nguồn nước được dự báo thời gian tới sẽ rất thiếu. Việt Nam đã có những doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh có công nghệ lọc nước biển thành nước sinh hoạt. Nhưng vấn đề phải có cơ chế để thực hiện được những điều này.
Chính sách phải rõ ràng
Phó TGĐ Công ty cổ phần Halcom Việt Nam ông Olli Keski Saari tính toán, trong vòng 5 năm qua, con số đầu tư vào thị trường nước Việt Nam lên tới 20 triệu USD. Để thu hồi vốn được 70% vốn đầu tư, phải cần 20-40 năm nữa, đây là quãng thời gian rất dài.
"Muốn thu hút nguồn lực tư nhân vào đầu tư ngành nước, Việt Nam cần phải có cơ chế chính sách rõ ràng, chắc chắn và cơ chế thu hồi vốn hợp lý cho doanh nghiệp. Nếu các công ty tư nhân cảm thấy không đảm bảo quyền lợi sở hữu, không có được nguồn thu hợp lý với số vốn bỏ ra thì khó thu hút nguồn lực từ khu vực này", ông Olli Keski Saari nhấn mạnh.
Để xã hội hoá ngành nước hiệu quả, ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý dự án, Trung tâm nước sạch vệ sinh môi trường - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần tháo gỡ một số vấn đề trong thời gian tới. Cụ thể, đề xuất quy định lại thế nào là hệ thống cấp nước tập trung. Điều này liên quan đến đầu tư, kêu gọi đầu tư…
Hệ thống văn bản pháp luật có nhiều, khá bao trùm, đầy đủ. Nhưng trong quá trình thực thi còn nhiều vướng mắc. Ví dụ như Thông tư 54 và Thông tư 56, với mô hình cấp nước nông thôn, đặc biệt là vùng miền núi, dân tộc thiểu số, việc kêu gọi xã hội hóa rất khó khăn.
Những vùng này không có các nhà đầu tư tư nhân. Do đó, vai trò này được chuyển sang cho các trung tâm cung cấp nước sạch của các tỉnh. Các trung tâm này sẽ chuyển đổi thành trạm cổ phần.
"Như vậy, xuất hiện vướng mắc ở chỗ, khi chuyển đổi, các tài sản có giao cho họ quản lý hay không? Nếu không được giao tài sản không thể mang đến ngân hàng để thế chấp. Nếu không có tài sản thế chấp, ngân hàng không cho vay. Trong khi nguồn vốn đầu tư cho hệ thống nước sạch thường rất lớn", ông Tuấn trăn trở.
Mặt khác, theo ông Nguyễn Quang Huân, Phó Chủ tịch Hội Nước sạch & Môi trường Việt Nam, muốn tư nhân yên tâm tham gia đầu tư vào lĩnh vực nước sạch, phải công bố thông tin minh bạch về tình trạng cấp thoát nước ở mỗi địa phương. Hệ thống cơ sở dữ liệu cởi mở cho nhà đầu tư và người dân có thể truy cập.
Các địa phương phải duy trì tính ổn định quy hoạch để không phá vỡ thị trường nước. Khi nhà đầu tư đã trúng thầu, đầu tư nhà máy nước, phải bảo đảm quyền kinh doanh nước của họ.