Vì sao phải sợ Temu?
(DNTO) - Nỗi lo lắng về sự bành trướng hàng Trung Quốc với thị trường bán lẻ trong nước thực sự bùng lên khi từ khoá Temu được truyền thông nhắc đến nhiều những ngày qua.
Sáng nay, ngày 1/11, tờ Reuters đưa tin, để cạnh tranh với Temu, Amazon đã phải đưa các mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày được sản xuất trong nước như kem đánh răng, nước rửa chén... với giá rẻ và vận chuyển nhanh nhất đến tay khách hàng. Đây là một cách để họ chống lại các đối thủ như Temu vốn có thế mạnh với các mặt hàng như thời trang, công nghệ... nhưng có nhược điểm là khách hàng phải chấp nhận chờ đợi vài ngày mới có thể nhận được hàng.
Các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc đang đặt ra nhiều "bài toán" khó hơn các quốc gia. Nhiều quốc gia đã mạnh tay chặn ứng dụng quảng cáo Temu trên các nền tảng mạng xã hội. Ngày 31/10, Liên minh Châu Âu (EU) cũng đã có cuộc điều tra sàn Temu, vì nghi ngờ nền tảng này chưa hành động đủ để ngăn chặn hoạt động bán sản phẩm bất hợp pháp.
Temu ra mắt vào tháng 9/2022, hoạt động giống như Amazon hay các nhà bán lẻ trực tuyến lớn khác. Công ty mẹ là Tập đoàn PDD Holdings của một tỷ phú người Trung Quốc. Hiện tại cổ phiếu PDD đạt 120 đô la cho mỗi đơn vị trên sàn chứng khoán Mỹ Nasdaq, giảm mạnh so với mức đỉnh 150 đô la hồi đầu tháng 10 sau một đợt kéo mạnh mẽ của cổ phiếu nhờ cơn sốt Temu. So với gã khổng lồ Trung Quốc Alibaba chỉ với 98 đô la/cp, có thể thấy cổ phiếu PDD đang nhận được nhiều triển vọng từ nhà đầu tư nhờ vào chiến lược mở rộng và sự hấp dẫn của nền tảng đối với các thương hiệu lớn.
Với sự hậu thuẫn đó, Temu lớn mạnh là điều khó chối cãi. Nhất là khi quê hương của nó được mệnh danh là công xưởng lớn nhất thế nhất, cộng với ưu đãi trong logistic do có khối lượng hàng vận chuyển lớn.
Tận dụng Temu?
Tuy nhiên, sự lo lắng này chẳng có gì là mới khi trước đó bạn đã có thể đặt thoải mái hàng chục bộ quần áo trên Shein với đa dạng kiểu cách, chế độ hậu mãi tốt. Trên Shopee, bạn cũng có thể dễ dàng mua hàng từ nước ngoài chấp nhận thời gian giao hàng từ 5-10 ngày. Lazada, TikTok Shop... cũng vậy.
Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc cũng đã xây dựng hàng loạt tổng kho hàng dọc biên giới Việt Nam, rút ngắn tối đa thời gian giao hàng cho khách. Có lẽ với Temu, lo lắng chỉ giống giọt nước tràn ly.
Temu chưa đăng ký với Bộ Công thương, chưa tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam nhưng vẫn có phần tiếng Việt cho người dùng dễ dàng, bỏ tiền chạy quảng cáo rầm rộ trên nhiều nền tảng mạng xã hội. Có thể xem đây là cách "khôn ngoan" để họ tranh thủ chiếm lĩnh thị trường, "tiền trảm hậu tấu", khi luật pháp Việt Nam còn nhiều cửa ngách. Quảng cáo giảm giá, ưu đãi khá rầm rộ... nhưng Temu cho biết chỉ có thời hạn và khi so ra với nhiều sàn khác, giá cả trên sàn này dường như không khác nhiều với nhiều sàn khác.
Với giả thiết Temu chính thức vào Việt Nam, chắc chắn những mặt hàng đơn thuần không thương hiệu, hay hàng tiêu dùng xuất xứ giá rẻ từ nước ngoài e sẽ khó có chỗ đứng. Việc này cũng không có gì lạ khi vốn dĩ từ lâu Việt Nam đã không thể cạnh tranh về giá, về sản phẩm trong lĩnh vực này với họ. Ảnh hưởng nhiều có chăng là tầng lớp thương nhân trung gian, buộc họ phải tìm kiếm công việc khác thích hợp.
Với các doanh nghiệp trong nước thì sao? Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tận dụng Temu trở thành nơi cung cấp nhiều mặt hàng phụ trợ với giá cả hợp lý từ nhà sản xuất như bao bì, phụ kiện... Temu cũng có thể là nơi để họ tìm kiếm xu thế hàng hoá, nắm bắt "trend" ở lĩnh vực của doanh nghiệp mình.
Cách đây ít ngày, trên trang Facebook của lãnh đạo một tập đoàn có tiếng trong nước có status cho rằng, các nhà sản xuất Việt Nam nên bình tĩnh, đừng nghe các lời doạ dẫm. Theo ông, hàng trên Temu đa số là không thương hiệu, giá rẻ, chất lượng vừa phải. Bán trên sàn là các nhà sản xuất, bị ép giá quyết liệt. Tuy nhiên, nhiều hàng hoá Việt Nam vẫn sống ổn nếu giữ được chất lượng, thương hiệu.
Điều ông nói quả không sai và an ủi được phần nào những nhà sản xuất trong nước. Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp lên cao, chúng ta có rất nhiều doanh nghiệp mới, nhiều sản phẩm mới, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, vốn là thế mạnh của Việt Nam, tận dụng nguồn nguyên liệu bản địa để khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Thực tế trên cũng buộc các doanh nghiệp phải chuyên sâu hơn, chú trọng các sản phẩm riêng biệt, mang tính đặc thù.
Quay lại vẫn là câu chuyện sống còn với nền kinh tế trong nước. Thủ tướng luôn đặt vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách kịp thời hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sẽ không chỉ Temu hay Shein... mà còn nhiều sàn TMĐT khác sẽ xuất hiện, quan trọng là các doanh nghiệp trong nước phải mạnh lên, nội lực chúng ta có mới là quan trọng nhất.