VCCI kiến nghị thành lập các Tổ công tác liên quan đến FTA và chi phí logistics
(DNTO) - Theo nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB), cộng đồng doanh nghiệp trong năm qua gặp khó khăn chưa từng thấy do tác động của dịch Covid-19.
Cụ thể, trong văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất một số chính sách, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tình hình hiện tại, kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu sử dụng ưu đãi thuế quan theo các FTA trong tổng kim ngạch xuất khẩu tương đối thấp, có xu hướng giảm trong vài năm trở lại đây (từ 39% năm 2018 xuống còn 33% năm 2020).
Đáng chú ý, các FTA gần đây (CPTPP, EVFTA) tỷ lệ sử dụng còn thấp hơn rất nhiều với một số FTA (từ 1% đến 8% như AIFTA, ACEP-VJEPA, VCFTA, VKFTA, năm 2018).
Lý giải cho nguyên nhân này theo các doanh nghiệp, một số quy tắc xuất xứ cam kết được giải thích theo hướng bất lợi cho doanh nghiệp. Ngôn ngữ trong các Thông tư về quy tắc xuất xứ theo FTA tương tự ngôn ngữ trong cam kết FTA, không dễ hiểu, luôn cần được giải thích bởi cán bộ của Bộ Công thương (chủ thể duy nhất ở Việt Nam có đủ chuyên môn để giải thích và có hiệu lực), do vậy VCCI kiến nghị Bộ Công thương thành lập ngay Tổ công tác về Quy tắc xuất xứ theo các FTA.
Theo đó, Tổ công tác có nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ về quy tắc xuất xứ cho bất kỳ doanh nghiệp nào muốn tận dụng ưu đãi thuế quan FTA để xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa; Xử lý các vướng mắc về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ trong FTA, tiếp nhận câu hỏi của doanh nghiệp, trả lời/phản hồi để trao đổi cụ thể hơn cho doanh nghiệp trong thời hạn ngắn (1-3 ngày).
Đồng thời, tổng hợp các vấn đề bất cập về chính sách liên quan tới quy tắc xuất xứ của các FTA. Đối với các vướng mắc trong thực thi tại các đơn vị chứng nhận xuất xứ, Tổ công tác trực tiếp xử lý trong thời hạn 1-3 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh đó, VCCI cũng kiến nghị thành lập Tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công thương để rà soát và tháo gỡ các khó khăn hiện nay về chi phí logistics, tình trạng thiếu container, do chi phí gia tăng mạnh từ năm 2020 tới nay.
Một số giải pháp khác cũng được đề xuất để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, vượt qua được các tác động tiêu cực của dịch Covid-19 như: đào tạo nhân lực chất lượng cao, tập trung phát triển kinh tế số như thương mại điện tử, Fintech và logistics. Đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công thông qua thúc đẩy các dự án trọng điểm quốc gia đã được phê duyệt. Thúc đẩy thị trường nội địa, thị trường nội ngành…