Vẫn phải chờ cái 'gật đầu' của các địa phương để mở lại đường bay nội địa
(DNTO) - Theo Cục Hàng không, các điều kiện đảm bảo chống dịch của ngành hàng không đã sẵn sàng. Tuy nhiên, nhiều địa phương vẫn chưa sẵn sàng đón các chuyến bay nội địa, trong đó Thủ đô Hà Nội cũng chưa cho phép.
Thông tin Cục Hàng không Việt Nam vừa đề xuất Bộ GTVT mở lại các đường bay nội địa đang là tin vui đối với các hãng hàng không Việt Nam cũng như người dân có nhu cầu đi lại bằng đường hàng không.
Các hãng bay đã sẵn sàng, lên kế hoạch mở lại đường bay nội địa
Sau nhiều ngày tạm dừng khai thác các đường bay nội địa, tối 30/9, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời về vận tải hàng không đảm bảo thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tuy nhiên, việc các địa phương có đồng ý tiếp nhận các chuyến bay hay không là vấn đề quan trọng để nối lại hoạt
Ngày 4/10, đại diện Vietnam Airlines cho biết đội tàu bay của hãng hàng không này đang hoàn tất quá trình bảo dưỡng để trở lại bầu trời, sẵn sàng cho việc nối lại nhiều đường bay nội địa vào đầu tháng 10.
Theo ông Hà Minh Quang-Phó ban Truyền thông của Vietnam Airlines, các máy bay của Vietnam Airlines đều được kiểm tra kỹ thuật và bảo dưỡng kỹ lưỡng trước khi cất cánh. Đây là công tác đặc biệt quan trọng nhằm bảo đảm an toàn bay, qua đó hành khách có thể hoàn toàn yên tâm khi bay trở lại.
Tuy nhiên, về kế hoạch bay giữa các địa phương, ông Quang cho rằng, sẽ rất khó để bay trở lại nếu Bộ GTVT và các địa phương chưa có sự thống nhất với nhau.
"Phải có quyết sách rõ ràng, kịp thời, có sự kết nối giữa các hãng hàng không, sân bay ở các tỉnh. Không chỉ tạo điều kiện cho những đơn vị cung ứng dịch vụ như các hãng hàng không của chúng tôi, điều quan trọng nhất là đối với khách hàng", ông Quang cho biết.
Đại diện hãng hàng không Bamboo Airways cho biết, hãng này cũng đã có kịch bản mở lại các chuyến bay thường lệ vào tháng 10 này.
“Chúng tôi đã chuẩn bị nhân sự, máy bay để sẵn sàng mở các đường bay khi được Cục Hàng không cho phép. Chúng tôi sẽ mở bán vé máy bay theo đúng slot đã được cấp. Đặc biệt Bamboo Airways cũng sẽ mở lại đường bay tới sân bay Phú Quốc ngay khi được phép”, đại diện Bamboo Airways cho hay.
Đại diện Bamboo Airways khẳng định, trong quá trình hoạt động, hãng cam kết đảm bảo các quy trình nghiêm ngặt phòng chống dịch bệnh, và sẽ triển khai hộ chiếu sức khoẻ để cập nhật tình hình sức khoẻ của hành khách.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Vietjet cũng đang có các kế hoạch để mở lại các đường bay tới các sân bay khi được sự thống nhất giữa Cục Hàng không và các địa phương đi, đến.
“Cùng với mở lại các đường bay nội địa, phương án đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 phù hợp được hãng ưu tiên triển khai. Vietjet đã triển khai thành công hộ chiếu sức khoẻ cho một số đường bay”, đại diện Vietjet cho biết.
Sân bay, kỹ thuật mặt đất cũng đã sẵn sàng... chờ địa phương “gật đầu”
Ông Nguyễn Quốc Phương - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, ACV cũng đã xây dựng chương trình "hành lang xanh", phối hợp cùng các hãng hàng không xây dựng các tiêu chí cụ thể để nối lại các chuyến bay.
Theo ông Phương giải thích: "Hành lang xanh" được cấu thành từ "con người xanh" (gồm nhân viên hàng không, hành khách), "hạ tầng, phương tiện xanh" (gồm sân bay, máy bay và các phương tiện chuyên chở hành khách) và "quy trình xanh" (hạn chế tối đa tiếp xúc, tuân thủ quy trình phòng dịch).
Về nguyên tắc, các hãng hàng không sẽ bắt đầu được khai thác nội địa (từ ngày 01/10), ngay sau khi kế hoạch có hiệu lực theo 4 cấp độ tương ứng mức độ kiểm soát dịch.
Trong đó cấp độ nguy cơ thấp, tức là bình thường mới, phải thực hiện giãn cách ghế, hành khách phải khai báo y tế và có kết quả âm tính xét nghiệm SARS-CoV-2 trong 72 giờ.
Khách đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ 2 liều, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ không cần phải xét nghiệm.
Thông tin từ các hãng hàng không trong nước cho biết đã sẵn sàng kế hoạch để mở lại đường bay nội địa theo kế hoạch của Cục Hàng không Việt Nam.
"Trong quá trình di chuyển, sẽ giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người với người, thông qua ứng dụng công nghệ thông tin, thông qua kỹ thuật mới", ông Phương cho biết.
Theo ông Trần Bảo Ngọc - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) nhận định: Việc mở lại các chuyến bay không chỉ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời phục vu phát triển kinh tế ngay tại địa phương.
“Do đó, đề nghị UBND các tỉnh, thành phố kết hợp chặt chẽ với Bộ GTVT tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đi lại của người dân, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và phục hồi kinh tế sau đại dịch", ông Ngọc nói.
Việc thực hiện các biện pháp y tế và phòng chống dịch là điều bắt buộc, nhưng việc đưa ra các quyết định đón khách hay không đón khách, cho bay hay không cho bay tại mỗi địa phương khác nhau như hiện nay sẽ trở thành rào cản không chỉ đối với riêng ngành hàng không, mà cả các loại hình vận tải khác trong tình hình mới.
Theo TS Cấn Văn Lực -Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia nhấn mạnh, hiện nay, nếu để mỗi địa phương làm một kiểu, một phương án, một kế hoạch, một chương trình, một chiến lược thì nước ta sẽ là “63 nền kinh tế”. Như vậy câu chuyện liên quan đến liên kết vùng, liên kết hợp lực để phòng chống dịch và phát triển kinh tế sẽ không đạt được hiệu quả.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, ngay trong chiều 1/10, Cục Hàng không đã gửi kế hoạch và phương án bay áp dụng với từng địa phương có sân bay để lấy ý kiến thống nhất. Từ đó, Cục Hàng không sẽ có các quyết định điều chỉnh phù hợp.
Cục Hàng không cũng khẳng định, các điều kiện đảm bảo chống dịch của ngành hàng không đã sẵn sàng. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn chưa sẵn sàng đón các chuyến bay.
Thông tin đến chiều 3/10, đã có UBND tỉnh Tuy Hòa, Điện Biên có văn bản trả lời Cục Hàng không về việc cho mở lại các chuyến bay đi, đến địa phương. Trong khi đó Hà Nội, Hải Phòng và Gia Lai vẫn chưa đồng ý mở lại các chuyến bay đi, đến các địa phương này.
Hiện nay, Cục Hàng không đang lên kế hoạch thí điểm đón khách tới sân bay Phú Quốc, dự kiến từ tháng 10/2021. Theo kế hoạch này, sẽ thực hiện tiêm chủng đầy đủ cho ít nhất 70% dân cư và người lao động tại khu vực khoanh vùng đón khách để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó, có hướng dẫn chính thức về quy định nhập cảnh, cách ly với khách du lịch quốc tế sử dụng hộ chiếu vaccine đến các trung tâm du lịch được thí điểm.
Phía sân bay Phú Quốc cho biết, để sớm đón khách trở lại Phú Quốc, đơn vị này đã triển khai các biện pháp đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, sân bay Phú Quốc phối hợp với Trung tâm y tế TP Phú Quốc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Kiên Giang triển khai quy trình khai thác bảo đảm an toàn cho hành khách đi máy bay trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19.
Sân bay Phú Quốc cũng lên các kịch bản riêng về vị trí đỗ máy bay, khu vực tập kết hành khách, luồng tuyến di chuyển xe y tế; Cách thức điều phối khai thác; Khu vực tập kết hành khách… cho từng trường hợp. Ngoài ra, sẽ triển khai kiểm soát tình hình sức khoẻ hành khách thông qua “hộ chiếu sức khoẻ”…