TS Võ Trí Thành: Chính sách về bất động sản không chỉ hoàn toàn là lý thuyết mà là nghệ thuật điều hành
(DNTO) - TS Võ Trí Thành nêu quan điểm, chúng ta không siết tín dụng bất động sản, nhưng có chọn lọc hơn dựa theo những đánh giá của phân khúc bất động sản, nhu cầu thực của người dân và xã hội, phân biệt các vấn đề phức tạp, khó khăn của một số dự án điển hình, một số dự án lớn cần quan tâm.
Tại Hội nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, chiều 14/7, nhìn nhận về bức tranh về thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, TS. Võ Trí Thành cho biết, đến nay, tổng quy mô của trái phiếu doanh nghiệp là 1,5 triệu tỷ đồng bằng quy mô của thị trường trái phiếu Chính phủ.
Theo TS. Võ Trí Thành, trong thời gian gần đây nếu không có trái phiếu doanh nghiệp thì thị trường bất động sản khó khăn hơn rất nhiều. Riêng năm 2021, phát hành trái phiếu doanh nghiệp vượt quá tín dụng mới cho vay trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng thương mại.
Không có trái phiếu doanh nghiệp thì nguồn vốn trung dài hạn cho các doanh nghiệp nói chung và bất động sản nói riêng sẽ gặp khó. Các tầng lớp thu hút trái phiếu này đều là những khâu quan trọng: Thứ nhất là Ngân hàng thương mại, thứ hai là bất động sản và thứ ba là năng lượng, đặc biệt là chuyển dịch năng lượng tái tạo.
TS. Võ Trí Thành cũng kiến nghị về xử lý những rủi ro mang tính xã hội liên quan đến việc các cá nhân "vừa chuyên nghiệp, vừa không chuyên nghiệp" nắm giữ trái phiếu; "cách ứng xử đảm bảo dòng tiền khi đáo hạn trái phiếu bất động sản"; vấn đề về minh bạch thông tin, tính chuyên nghiệp…
Chúng ta phải coi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một phần hữu cơ của thị trường vốn mà Việt Nam thực sự mong muốn phát triển.
TS. Võ Trí Thành kiến nghị, việc đầu tiên là "tạo lập niềm tin". Đó là chúng ta phải coi thị trường trái phiếu doanh nghiệp là một phần hữu cơ của thị trường vốn mà Việt Nam thực sự mong muốn phát triển. Đó là thông điệp của Việt Nam gửi đến thế giới, đặc biệt là giới doanh nghiệp. Bên cạnh đó phải tăng cường tính kỷ luật của thị trường đồng thời không hình sự hóa các quan hệ kinh tế".
Thứ hai, liên quan đến Ngân hàng thương mại, trái chủ, tín dụng… "Chúng ta không siết tín dụng bất động sản, nhưng có chọn lọc hơn dựa theo những đánh giá của phân khúc bất động sản, nhu cầu thực của người dân và xã hội, phân biệt các vấn đề phức tạp, khó khăn của một số dự án điển hình, một số dự án lớn cần quan tâm", ông Thành nói.
TS. Võ Trí Thành kiến nghị, cần tạo dựng nền tảng trung và dài hạn nhưng chúng ta cần phải bắt đầu. Thứ nhất phải cân đối thị trường tín dụng tinh thần quyết liệt hơn, nghiêm túc hơn và nhanh hơn. Thứ hai đối với tổ chức tín dụng cần phải có đề án cơ cấu lại. Thứ ba, là câu chuyện từ thị trường mới nổi. Đặc biệt, TS. Võ Trí Thành đề xuất cần phải giáo dục tài chính và mong muốn đưa giáo dục tài chính vào hệ phổ thông.
Cũng tại Hội nghị, liên quan đến câu chuyện phát triển trái phiếu doanh nghiệp, TS. Trần Đình Thiên cho rằng không nên có cách tiếp cận quá chặt, cần phải có sự phân biệt dự án, tập đoàn, doanh nghiệp về mặt lý lịch để quyền tiếp cận cho vay phù hợp.
Bàn về vấn đề cần làm gì để không làm ngắt mạch nguồn lưu thông vốn như là mạch máu của nền kinh tế, theo TS. Trần Đình Thiên, phải đánh giá được mức độ ưu tiên, trạng thái lành mạnh của các mảng, tuyến, phân khúc bất động sản, bởi không phải cái nào cũng có tính đầu cơ như nhau, từ đó có cách ứng xử phù hợp. Cần làm rõ dự án nào, tập đoàn nào có lý lịch tốt, có triển vọng tốt trong tương lai để có sự tiếp cận của ngân hàng, Chính phủ hỗ trợ bảo đảm cho nguồn cung thị trường tốt.
"Kinh tế thế giới đang bất ổn, lạm phát tiếp tục tăng cao tác động đến giá cả, xu hướng bất ổn, rủi ro cũng tăng lên. Khi đó điều kiện, tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng, tiêu chuẩn xét duyệt, hỗ trợ của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng… phải căn cứ vào những đánh giá này để không vì những rủi ro, xu hướng lạm phát mà quên việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, bơm vốn cho doanh nghiệp để thúc đẩy quá trình phục hồi. Về mặt tín dụng, điều quan trọng hiện nay là lãi suất, tiêu chuẩn, phối hợp chính sách tài khoá tiền tệ phải đủ 'mềm mại' để không loại những doanh nghiệp bị 'yếu mà không kém', để họ không mất cơ hội phục hồi", TS. Trần Đình Thiên nói.