Trái cây đồng loạt rớt giá mạnh
(DNTO) - Xoài đang được bán với giá thấp nhất trong vài năm qua, trong khi giá các loại trái cây vụ hè khác như mận, dưa hấu, chôm chôm, bơ... cũng rớt giá so với năm ngoái.
"Giải cứu xoài lép Đài Loan, xoài ba mùa giá siêu rẻ chỉ 15.000 đồng/2 ký. Mọi người cùng mua chung ủng hộ giúp bà con nông dân với", là một trong rất nhiều bài đăng kêu gọi người mua xoài nhiều ngày qua khi giá trái cây này xuống thấp vì khó xuất khẩu.
Thực tế, không chỉ xoài mà nhiều loại trái cây vào mùa cũng đang được chào bán với giá rẻ.
Giá giảm gần một nửa
Khảo sát của Zing tại một số khu chợ lớn ở TP.HCM như Xóm Chiếu (quận 4), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Tân Thuận (quận 7), nhiều loại trái cây vào mùa đang có giá bán lẻ khá rẻ so với trước đây. Điển hình, chôm chôm khoảng 30.000-40.000 đồng/kg, dưa hấu 8.000-10.000 đồng/kg, sầu riêng 60.000-85.000 đồng/kg, bơ 20.000-40.000 đồng/kg...
Đáng chú ý, xoài cát chu trước đây có giá 50.000-60.000 đồng/kg nay giảm còn 15.000-20.000 đồng/kg; xoài keo, xoài xanh Đài Loan cũng chỉ từ 7.000-15.000 đồng/kg. Hay mít Thái trước đây 40.000-50.000 đồng/kg thì nay giảm còn khoảng 20.000-25.000 đồng/kg.
Ngoài ra, các loại trái cây đặc sản miền Bắc cũng đang có giá rẻ tại các chợ phía Nam như vải thiều, mận hậu. Tại chợ Bùi Văn Ba (quận 7), vải thiều đầu mùa về chợ giảm giá từng ngày, hiện có giá 50.000-60.000 đồng/kg.
"Sầu riêng Ri 6 loại 1 tôi bán giá chỉ 69.000 đồng/kg, loại 2 giá 59.000 đồng/kg, mức giá này đã giảm so với đầu vụ nhưng vẫn ở mức cao hơn so với cùng năm 2020 từ 10.000-20.000 đồng/kg”, anh Tư, chủ sạp hoa quả trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) nói và cho biết không chỉ sầu riêng mà nhiều loại trái cây khác như dưa hấu, xoài, na, mận cũng giảm giá.
Theo anh, do phần lớn trái cây vùng miền Tây, ĐBSCL đang vào vụ thu hoạch rộ, trong khi dịch bệnh khiến thương lái giảm thu mua, hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng bị chậm lại.
Trên các diễn đàn chợ mạng, giá các loại trái cây cũng được rao bán nhộn nhịp với giá rẻ. Thậm chí, nhiều người còn kêu gọi mua giải cứu các loại xoài vì rớt giá mạnh. Theo chị Thương (quận Tân Bình, TP.HCM), do đợt dịch lần này, xoài không xuất khẩu được, thương lái ép giá, chủ vườn phải bán rẻ.
"Kinh doanh trái cây nhiều năm nhưng chưa năm nào tôi thấy giá xoài rẻ như hiện nay. Bình thường xoài Úc giá 50.000-60.000 đồng/kg nhưng nay giảm còn 65.000 đồng/5 kg, loại 400-900 gram/trái, tức chỉ khoảng 13.000 đồng/kg", chị cho biết.
Theo tiểu thương này, dịch bệnh khiến trái cây khó xuất khẩu nên chủ yếu phải tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, người dân thắt chặt chi tiêu, nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn đóng cửa cũng khiến nguồn cầu giảm.
Lối đi nào cho nông sản Việt trong mùa dịch
Trao đổi với Zing, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết nhiều loại trái cây đang vào mùa, lượng trái thu hoạch nhiều nhưng gặp khó trong xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc vì dịch bệnh.
Theo ông, không chỉ khó xuất hàng mà xoài Việt còn phải cạnh tranh với xoài Campuchia khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Năm nay, Trung Quốc cho phép Campuchia xuất khẩu chính ngạch đến 500.000 tấn xoài. Không chỉ vậy, sắp tới một mặt hàng Việt Nam phải cạnh tranh với Campuchia sang Trung Quốc là trái long nhãn", ông nói.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam, cần nghiên cứu trồng rải đều vụ trong năm. Như xoài chỉ rộ mùa vài tháng, lại trùng với mùa vụ xoài ở Trung Quốc, Campuchia giá xuống thấp và khó xuất khẩu.
Để tránh tình trạng trái cây rớt giá, ông Nguyên cho rằng nhà nước cần có những biện pháp hỗ trợ người nông dân thiết thực hơn. Trước hết nên đẩy mạnh khâu chế biến. Ví dụ vải thiều đưa vào chế biến cấp đông xuất khẩu sang Nhật Bản, hay đóng lon, sấy khô bán sang các nước Trung Đông, Trung Quốc, Nga... Với các doanh nghiệp chế biến, nhà nước nên hỗ trợ cho vay vốn lãi suất thấp để mua nguyên liệu.
Tạo điều kiện xúc tiến thương mại với Trung Quốc, giúp thương lái thuận lợi sang thu mua, hoặc sang Trung Quốc chào bán. "Sản lượng vải thiều Trung Quốc tiêu thụ hàng năm bằng gần 50% sản lượng vải Việt Nam trồng", ông cho biết.
Ngoài ra, cần tăng cường các biện pháp tiêu thụ nội địa như giảm hoặc miễn các chi phí đường bộ cho các đơn vị vận chuyển nông sản, tăng cường phương tiện máy bay, tàu hoả chở nông sản từ Bắc vào Nam tiêu thụ.