‘TP.HCM có ‘mỏ vàng’ mà chưa khai thác hết, các địa phương trong vùng cũng chưa tận dụng'
(DNTO) - “Mỏ vàng” mà Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM nhắc tới là 2.000 văn phòng đại diện của doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đặt tại Đông Nam bộ, là nơi giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế, giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu hàng hoá.
Để “đầu tàu kinh tế” tăng sức kéo
Tại Hội nghị Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu vùng Đông Nam bộ hôm 13/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh vùng Đồng Nam bộ là đầu tàu kinh tế, điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài và là khu vực tiềm năng cho quá trình dịch chuyển và tái cơ cấu chuỗi cung ứng toàn cầu.
11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa khu vực Đông Nam Bộ đạt hơn 200 tỷ USD, chiếm gần 32.4% thương mại cả nước. Riêng TP.HCM duy trì tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu cao nhất cả nước, đạt gần 89 tỷ USD. Hai tỉnh Bình Dương và Đồng Nai lần lượt 47.7 tỷ USD và 34 tỷ USD.
Mặc dù so với cùng kì, con số này chưa tăng trưởng nhưng Thứ trưởng Bộ Công thương đánh giá Đông Nam Bộ vẫn đóng vai trò dẫn dắt hoạt động xuất nhập khẩu cả nước. Sản phẩm, hàng hoá của vùng có mặt ở gần 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó đến nhiều thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN…
Tuy vậy, các chuyên gia đánh giá những biến động chính trị, thương mại thế giới tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tới hoạt động xuất nhập khẩu của vùng. Đặc biệt, do năng lực còn yếu nên doanh nghiệp Việt Nam liên tục đối diện với rủi ro về thương mại.
Điển hình như mới đây, 2 lô hàng sầu riêng và ớt Việt Nam bị phía Nhật Bản buộc tiêu huỷ vì phát hiện hoạt chất tồn dư vượt ngưỡng cho phép. Trước đó, cũng có nhiều sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang EU cũng gặp tình trạng tương tự.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết trong chuyến công tác của Đoàn TP.HCM đến Nhật Bản mới đây, có 2 mặt hàng của Việt Nam là chuối Long An và tôm Bến Tre, Cà Mau thông qua hệ thống Aeon đã vào thị trường Nhật Bản và phát triển rất tốt trong vài năm qua.
Khi Đoàn tới Trung tâm Kiểm nghiệm tại Nhật Bản và đặt câu hỏi thì họ nói trong những năm qua, tất cả mẫu thử của 2 sản phẩm này đều đạt yêu cầu. Điều đó cho thấy các nhà sản xuất Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng những yêu cầu của thị trường, khác với lô sầu riêng, ớt vừa rồi. Vấn đề còn lại là công tác kiểm soát, chấp hành sản xuất ra sao.
Khi qua thị trường Canada, Đoàn Công tác xúc tiến thương mại của TP.HCM cũng đã khảo sát một số siêu thị tại đây và thấy hàng Việt Nam rất phổ biến, có tới vài chục sản phẩm từ rau củ quả, trái cây, bánh kẹo... nhưng đều qua thương hiệu của Mỹ.
“Điều này rất lạ. Việt Nam kí Hiệp định CPTPP với Canada, không kí với Mỹ nhưng hàng hoá Việt Nam đi vào Canada lại thông qua Mỹ. Điều này dẫn tới chi phí tăng lên nhưng chúng ta vẫn cạnh tranh được để vào thị trường này”, ông Phương nhận định.
Vị này cho biết TP.HCM có “mỏ vàng” mà chính thành phố cũng chưa khai thác hết, các địa phương trong vùng cũng không khai thác. Đó là gần 2.000 văn phòng đại diện của doanh nghiệp, thương nhân nước ngoài đặt tại đây. Trong đó có những hiệp hội nước ngoài lớn như Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) hay Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO)...
“Kinh nghiệm chúng tôi thấy rằng khi gặp vấn đề khó, vướng, chúng tôi tới các tổ chức này đặt vấn đề, làm việc thì họ rất tích cực hỗ trợ. Không có lý do gì doanh nghiệp địa phương khai thác các tổ chức này. Tôi kiến nghị tới đây các địa phương nên tích cực yêu cầu TP.HCM trong khuôn khổ hợp tác vùng, chúng tôi tăng cường các chương trình hợp tác, xúc tiến, kết nối cho các doanh nghiệp của địa phương. Không cần lớn lao, chỉ cần các chuyên đề nhỏ về từng thị trường sẽ đạt hiệu quả lớn, giảm thiểu rất nhiều rủi ro”, ông Phương nói.
Tương tác và kết nối
Bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, Bộ Công thương, cho biết khi nhắc đến rủi ro trong thương mại, các doanh nghiệp thường nghĩ đến việc mất hàng, mất tiền như vụ việc các container hạt điều.
Nhưng rủi ro rất phổ biến là doanh nghiệp chưa kịp thời nắm bắt được các quy chuẩn, quy định của nước bạn, dẫn đến hàng hoá không thâm nhập được vào các thị trường, thậm chí bị trả lại. Việc này không chỉ thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu mà thậm chí có lúc ảnh hưởng tới cả ngành xuất khẩu nếu đối tác tạm ngừng nhập khẩu hàng hoá vi phạm chất lượng. Vì vậy doanh nghiệp cần chuẩn bị tốt công tác ứng phó rủi ro.
“Ví dụ khi sự cố xảy ra thì cần liên hệ với cơ quan nào ở trong nước, ở nước ngoài, chuẩn bị thủ tục gì... Vụ container hạt điều có thể giải quyết nhờ sự vào cuộc của tất cả các bên nhưng trước hết doanh nghiệp phải “kêu cứu”, biết chỗ đặt vấn đề”, bà Trang cho biết.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, cho biết trong thời gian tới sẽ tập trung hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp của vùng Đông Nam Bộ xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm chế biến công nghệ cao. Đây là những sản phẩm có lợi thế, năng lực cạnh tranh cao của vùng. Đồng thời tăng cường kết nối các địa phương trong vùng để cùng phát huy lợi thế.
“Chúng tôi cũng có cam kết với các địa phương trong vùng là trong thời gian tới sẽ mang nhiều hội chợ quốc tế vào Việt Nam. Gần nhất là ngày 12/2 sắp tới, Bộ Công thương sẽ tổ chức hội chợ quốc tế về ngành dệt may. Tất cả sản phẩm trong chuỗi giá trị của ngành dệt may từ dệt nhuộm, xơ sợi, sản phẩm thời trang, thiết kế có thể tìm đến tại Trung tâm quốc tế Sài Gòn. Đây là hoạt động gắn kết sản phẩm vùng Đông Nam Bộ với quốc tế”, ông Phú thông tin.