Tiến lên xa lộ 5G
(DNTO) - 3 nhà mạng lớn nhất ở Việt Nam cuối năm 2020 đã triển khai thử nghiệm di động 5G(*) thành công, hứa hẹn mang lại nhiều bứt phá cho công nghệ số tại Việt Nam trong những năm tới.
5G với nhiều ưu điểm nổi trội như tần số cao, băng thông rộng, tốc độ cao, độ trễ thấp là tương lai cho các dịch vụ internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data)… đang là đích đến của nhiều nhà mạng và nhiều nền kinh tế.
Cho ta gần nhau hơn...
Tưởng tượng ngày xuân trong các gia đình Việt có người thân ở nước ngoài, việc gọi video, nghe và thấy người thân từ xa mà không bị gián đoạn bởi tốc độ, đường truyền có lẽ sẽ giúp vơi đi phần nào nỗi nhớ thương, xa cách. Thậm chí, việc bên nhà Việt Nam tổ chức tiệc giao thừa và bên Mỹ có thể xem livestream dễ dàng giúp con người như xích lại gần hơn, thế giới như bớt cô đơn, lạnh lẽo hơn. Có người nói vui rằng công nghệ 5G sẽ giúp các gia đình Mỹ - Việt đỡ tốn ít nhất 10.000 USD cho 1 cặp vé máy bay mỗi năm và nhiều thứ linh tinh khác!
Gần đây thôi, năm 2019, một bác sĩ thẩm mỹ sau khi trải nghiệm khóa học chuyên sâu thẩm mỹ 6 tháng tại Hàn Quốc kể rằng, ngoài việc được học chuyên môn trực tiếp từ các thầy cô Hàn Quốc, giờ đây với mạng internet ở Việt Nam, anh có thể tham gia các khóa online, xem trực tiếp các bậc thầy mổ xẻ. Có 5G, anh tin chắc nhiều ứng dụng, kiến thức chuyên sâu trong ngành y có thể được kết nối, chia sẻ.
Theo báo cáo về tốc độ mạng 5G trên toàn cầu trong quý III/2020 của Open Signal (công ty chuyên phân tích và đánh giá về thị trường mạng di động và không dây), Arabia Saudi là quốc gia có tốc độ mạng 5G nhanh nhất thế giới, đạt 377,2 Mbps, nhanh gấp 12,5 lần so với tốc độ mạng 4G tại quốc gia này (trung bình đạt 30,1 Mbps) và Mỹ là quốc gia có tốc độ mạng 5G thấp nhất trong tất cả các quốc gia được khảo sát, chỉ đạt 52 Mbps, nhỉnh hơn đôi chút tốc độ mạng 4G (trung bình đạt khoảng 28,9 Mbps).
Như vậy, việc các nhà mạng Việt Nam có thể đạt tốc độ 600 - 800 Mbps trong quá trình phát sóng thử nghiệm được xem là ở mức cao so với thế giới. Tuy nhiên, đây chỉ là tốc độ phát sóng 5G thử nghiệm. Khi phát sóng thương mại với phạm vi phủ sóng lớn hơn, tốc độ trung bình của mạng có thể bị giảm xuống.
Nhiều ngành hốt bạc nhờ 5G
Mạng 5G dự kiến sẽ tạo ra 13.200 tỷ USD trong hoạt động bán hàng toàn cầu vào năm 2035, theo Visual Capitalist. Thực tế, nhiều quốc gia đã ứng dụng công nghệ 5G từ nhiều năm trước. Ở Việt Nam, khả năng triển khai mạng 5G thương mại dự kiến là đến tháng 6/2021 và cần 2-3 năm 5G mới có thể phổ biến rộng.
5G với tốc độ cao hơn và độ ổn định tốt hơn được các nhà nghiên cứu tin rằng sẽ đóng vai trò là nền tảng cho các ngành sản xuất, thông tin và truyền thông, bán sỉ và bán lẻ, dịch vụ công, xây dựng. Tuy vậy, thay đổi không diễn ra trong một sớm một chiều. Các chuyên gia dự báo sẽ có những ngành hưởng lợi lớn từ sức mạnh của 5G để đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Các chuyên gia dự đoán công nghệ 5G sẽ cho phép tạo ra các “nhà máy thông minh” loại bỏ kết nối cáp, cải thiện quy trình tự động và thu thập nhiều dữ liệu tốt hơn.
Hào hứng với 5G, nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra có bảy quốc gia được dự đoán đến năm 2035 sẽ dẫn dắt cuộc chơi 5G, gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Pháp, Anh, Hàn Quốc. Tình cờ, bảy quốc gia này cũng là những quốc gia có nền kinh tế đổi mới sáng tạo nhất.
5G - Cơ hội phát triển mới
Ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam nói rằng: Trong viễn thông, internet, việc có tốc độ nhanh hơn, rút ngắn thời gian hơn sẽ làm giảm chi phí cơ hội, tăng hiệu quả cũng như sức cạnh tranh cho dịch vụ.
Hơn nữa, tốc độ của 5G cũng sẽ tạo điều kiện cho những dịch vụ mà với tốc độ mạng của 4G không thể triển khai được, như các dịch vụ sử dụng video, sử dụng thực tế ảo, các dịch vụ y tế và giáo dục trực tuyến, ôtô không người lái, điều khiển tự động từ xa... Đặc biệt, với thời gian và số lượng kết nối gấp nhiều lần 4G, cho phép hàng triệu thiết bị kết nối đồng thời, 5G sẽ là công cụ để phát triển các dịch vụ và ứng dụng IoT, ứng dụng trong tự động hóa, công nghệ robot...
Theo nhà sản xuất thiết bị mạng Cisco, đến năm 2025, số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam dự kiến sẽ đạt 6,3 triệu. Việc triển khai sớm dịch vụ 5G có thể giúp các nhà mạng di động Việt Nam tăng doanh thu thêm 300 triệu USD/năm, bắt đầu từ năm 2025. Tuy nhiên, trong 5 năm tới, những nhà khai thác cần đầu tư khoảng 1,5 - 2,5 tỷ USD vào công nghệ.
Ông Thiều Phương Nam – Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Campuchia, Lào nói rằng Covid-19 đã làm cho 5G được triển khai nhanh hơn trên thế giới cũng như Việt Nam. Người dùng và doanh nghiệp sẽ cần đến 5G nhiều hơn, tạo ra nhiều việc làm, thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn và là động lực tăng trưởng mạnh mẽ. Ông cũng cho rằng các quốc gia chậm trễ trong việc triển khai 5G sẽ bỏ lỡ một số cơ hội kinh tế.
“Từ góc nhìn trong nước, Qualcomm tin rằng 5G là một phần không thể thiếu đối với sự thành công của quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam và chính sự thành công này sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển mới. Báo cáo của Tổ chức Nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối Thịnh vượng chung (CSIRO) của Úc cho thấy, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam có khả năng giúp đất nước tăng trưởng thêm 1,1% GDP mỗi năm cho đến năm 2045”, ông Thiều Phương Nam chia sẻ.
(*) 5G là viết tắt của 5th Generation, tức thế hệ thứ 5 của mạng di động với nhiều cải tiến hơn so với 4G. Mạng 5G được thiết kế để tăng tốc độ và khả năng phản hồi nhanh chóng của mạng không dây.