Thương mại điện tử sẽ trụ vững nếu đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu
(DNTO) - Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, thương mại điện tử Việt Nam đã có sự tăng trưởng nhanh hơn, nhưng những trở ngại vẫn tồn tại như lòng tin của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến thấp, thanh toán trực tuyến chưa phổ phiến, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng chưa theo kịp nhu cầu.
Doanh nghiệp thương mại điệnt ử cần làm gì để tạo lợi thế cạnh tranh?
Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh, tiêu dùng trực tuyến, thương mại điện tử đã và đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Riêng đối với các doanh nghiệp, thương mại điện tử là câu chuyện chuyển đổi dịch vụ với khách hàng, là cách thức sống còn trong giai đoạn này.
“Trong bối cảnh dịch Covid-19, đồng thời Chính phủ đang xây dựng chính sách hỗ trợ với gói kích thích kinh tế lần 2, theo đó sẽ tập trung lớn vào tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Các giải pháp sẽ tập trung vào nhóm thiệt hại nặng, nhóm yếu thế, đồng thời kích thích tiêu dùng của tầng lớp trung lưu. Vì vậy, xu hướng tiêu dùng online, thanh toán trực tuyến sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới”, TS. Võ Trí Thành nhận định.
Nói về xu hướng phát triển của thương mại điện tử, ông Hồ Quốc Thân, Tổng giám đốc InvesTV cho biết, giai đoạn bùng nổ của thương mại điện tử là từ 2017-2020.
Đầu năm 2020, thương mại điện tử tại Việt Nam đạt 5 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng 81%. Theo khảo sát của Google trong thị trường Đông Nam Á, trong top 10 sàn thương mại điện tử có lượng website truy cập lớn nhất, thì Việt Nam có 5 sàn thương mại điện tử.
“Qua những con số này có thể thấy, thương mại điện tử đóng vai trò vô cùng quan trọng, đó là xu hướng phát triển rất tốt trong thời gian vừa qua, đặc biệt là thị trường Việt Nam trên thị trường quốc tế cũng được đánh giá là tiềm năng trên con đường phát triển thương mại điện tử”, ông Thân nói.
Tuy nhiên, doanh nghiệp thương mại điện tử Việt cần làm gì để tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút người tiêu dùng? Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, ông Hà Đình Hoàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần ATM Lucky Việt Nam cho biết, điểm khác biệt mà ATM Lucky Việt Nam lựa chọn trong đầu tư về thương mại điện tử chính là luôn đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu. Người tiêu dùng quyết định sự tồn tại của bất kỳ doanh nghiệp, dịch vụ và sản phẩm nào.
"Hiện các doanh nghiệp đang tận dụng các nguồn lực của nhau, phân chia quyền lợi cho doanh nghiệp đối tác chứ chưa thực sự quan tâm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, ATM Lucky Việt Nam luôn coi quyền lợi của người tiêu dùng là sức mạnh đầu tiên khi dành 25% lợi nhuận sau thuế cho người tiêu dùng, hướng tới người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có sứ mệnh đóng góp cho an sinh xã hội. Hiện Quỹ an sinh xã hội của chúng tôi đã gây dựng hơn 140 triệu đồng. Trong năm 2021, chúng tôi đặt ra mục tiêu là 4 tỷ đồng cho Quỹ này”, ông Hoàn cho hay.
Cần có ý tưởng mới để thương mại điện tử phát triển
Ở góc độ ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh, với góc nhìn của doanh nghiệp, ông Lâm Tấn Tài, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Thế giới sống khỏe, chia sẻ: “Gần đây, trong cuộc trao đổi với lãnh đạo Công ty Cổ phần thương mại Bách Hóa Xanh, tôi đã nhận được con số rất bất ngờ. Đó là trang thương mại điện tử của Bách Hóa Xanh có doanh số gấp 12 lần so với 1 siêu thị thông thường. Gần đây, các ông lớn như VinMart cũng chạy theo để tăng tốc ứng dụng thương mại điện tử cho khách hàng của mình”.
Tuy nhiên, điều khiến ông Tài băn khoăn là, nếu phát triển thương mại điện tử thì mỗi doanh nghiệp sẽ có một website hoặc một app, như vậy trên điện thoại của khách hàng sẽ phải cài bao nhiêu app?
“Như vậy, các doanh nghiệp thương mại điện tử cần phải tìm được ý tưởng mới, làm thế nào để ứng dụng thương mại điện tử không cạnh tranh nhưng liên kết tất cả các doanh nghiệp là điều đáng bàn”, ông Tài cho biết.
Ngoài ra theo ông Tài, mối lo của các doanh nghiệp là chi phí đổ vào maketing rất lớn. Một doanh nghiệp mới phải đổ khoảng 10-15% chi phí maketing là ít nhất, và với chi phí cao như vậy, người tiêu dùng lại phải gánh giá thành cao hơn.
“Những doanh nghiệp thương mại điện tử còn sót lại trong cuộc chạy đua này là doanh nghiệp đặt quyền lợi người tiêu dùng lên hàng đầu. Chi phí bỏ ra cho doanh nghiệp mới là rất lớn, nếu trụ không nổi là thua, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ thông tin. Tuy nhiên, ATM Lucky Việt Nam đã có cách thức mới là liên kết các doanh nghiệp lại, giải quyết được cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái để tăng giá trị, giảm chi phí”, ông Tài đánh giá.
Nêu giải pháp để thương mại điện tử phát triển, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho hay, để phát triển hoạt động tiêu dùng online thì thanh toán đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, ngay từ đầu Ngân hàng Nhà nước đã xác định phải xây dựng các kênh thanh toán trực tuyến đảm bảo 3 yếu tố là an toàn, thuận tiện và chi phí hợp lý.
Ngành ngân hàng đã đặt hoạt động thanh toán là ở vị trí quan trọng để tạo dựng lòng tin, xây dựng thói quen, xu hướng tiêu dùng hiện đại, tích cực. Toàn ngành đã áp dụng rất nhiều công nghệ an toàn bảo mật trong thời gian qua, bảo đảm thông tin thanh toán qua ngân hàng không bị lộ, chống lại các vụ đột nhập đánh cắp thông tin, phổ biến nâng cao thông tin, kỹ năng về thanh toán an toàn…
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng cho rằng, để người tiêu dùng thực sự tin tưởng các kênh giao dịch online, thương mại điện tử cần củng cố lòng tin của người tiêu dùng đối với chính các cửa hàng trong hệ thống.
“Khi chất lượng hàng hoá và dịch vụ đi kèm như giao nhận, giải quyết tranh chấp… được nâng lên, sẽ vực dậy lòng tin của người tiêu dùng để họ lựa chọn thanh toán trực tuyến. Hiện nay lòng tin của người tiêu dùng với chất lượng hàng hoá chưa bảo đảm nên họ đòi hỏi được kiểm tra trước, nhìn tận mắt hàng hoá trước khi trả tiền, cũng là điều dễ hiểu”, ông Dũng phân tích.