Thức tỉnh mục đích kinh doanh
(DNTO) - Theo chủ nghĩa lạc quan, có lẽ Covid-19 vô tình hay hữu ý đến để làm thức tỉnh mục đích sống của nhân loại, trong đó có mục đích kinh doanh của giới doanh nhân toàn cầu.
Mục đích kiếm tiền sẽ không giống nhau
Đối với doanh nhân, mục đích kinh doanh cũng là mục đích sống. Doanh nhân sống để kinh doanh và kinh doanh cũng là để sống: Nuôi sống bản thân, gia đình, nhân viên, cổ đông...và những người xung quanh.
Hơn bao giờ hết, đại dịch Covid 19 là lời cảnh tỉnh để ta suy ngẫm và nghiêm túc xem xét lại mục đích kinh doanh thực chất của ta là gì, mục đích đó có thiện lành và hoà hợp với mục đích sống của ta?
Theo chủ nghĩa thực dụng thì mục đích tối thượng của kinh doanh là kiếm tiền, kiếm tiền để giúp bản thân và cộng đồng xung quanh tốt hơn. Mục đích này không có gì sai trái cả. Nó đã, đang và sẽ là kim chỉ nam cho người khởi nghiệp, doanh nhân biến các ý tưởng thành những sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho cuộc sống này và cho cuộc sống mai sau.
Nhưng đằng sau mục đích kiếm tiền luôn còn có những mục đích cao cả, nhân văn hơn. Đó là tự biểu lộ tài năng của chính mình để tạo ra giá trị nào đó cho xã hội hay giúp giải quyết một vấn đề nào đó của thế giới. Đó là tạo điều kiện, môi trường phù hợp để giúp nhân viên, đồng nghiệp, người lao động trong công ty nhận ra và khai phá được tài năng của họ. Mục đích này mới tuyệt vời và ý nghĩa làm sao (bởi thế người xưa có nói việc tự lãng phí tài năng hay làm lãng phí tài năng là tội lỗi to lớn của loài người). Đó còn là làm cho con người ít vất vả hơn, cuộc sống này tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Ta chắc rằng nếu là doanh nhân thực thụ, kinh doanh tử tế thì ta đều có thể đạt được các mục đích đó.
Nhưng trên hành trình theo đuổi mục đích kinh doanh của mình, có người vì mải mê kiếm tiền mà vô tình hay cố ý lờ đi mục đích cao cả đó. Có người chấp nhận làm ăn trong lĩnh vực mà họ không yêu thích, miễn là ta có tiền; biết việc mình làm là tổn hại đến môi sinh và môi trường mà vẫn làm vì ma lực của đồng tiền; biết việc đưa hoá chất độc hại vào thực phẩm là tổn hại sức khoẻ và giết dần giết mòn ta và đồng bào mà vẫn không chùng tay; biết kinh doanh chụp giật, đầu tư ngoài ngành hay xa lìa các giá trị cốt lõi, mục đích kinh doanh ban đầu đều là lãng phí nguồn lực, là tiểm ẩn rủi ro nhưng vẫn làm vì họ muốn doanh nghiệp của mình lớn nhanh để thoả mãn sự sĩ diện.
Chữa trị từ trong tâm
Có thể thấy, cao hơn kinh doanh truyền thống là kinh doanh có ý thức. Khi ta có ý thức, thì việc khởi sự kinh doanh hay lãnh đạo một doanh nghiệp sẽ không bao giờ gây phương hại cho con người, môi sinh hay làm bất cứ thứ gì trái đạo đức, trái pháp luật. Ý thức rằng cái gì mang lợi ích, điều tốt đẹp cho bản thân, gia đình và xã hội thì ta nhất quyết làm, dù ta biết sẽ rất rủi ro và có thể phải trả giá đắt. Ý thức rằng cái gì gây phương hại đến môi sinh, đồng bào mình thì dứt khoát không làm, dù khả năng kiếm tiền có béo bở đến đâu đi nữa.
Xa hơn nữa ta khi đủ trí tuệ và trải nghiệm để ý thức về luật nhân quả và các định luật tự nhiên khác trong vũ trụ cũng áp dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, ta sẽ "thấy" rõ cái ta nên làm và không nên làm. Ta ý thức được rằng khi ta cho đi thì ta sẽ nhận được. Tiền bạc là thứ nhỏ nhất ta có thể cho đi. Cái lớn hơn, vĩ đại hơn ta có thể cho đi trong quá trình kinh doanh là các sản phẩm tuyệt hảo, các dịch vụ, công nghệ tuyệt vời mà khách hàng phải thốt lên. Chẳng phải là chúng ta ngưỡng mộ và khâm phục Steve Job vì cái Iphone ông đã chế tác cho thế giới này hơn là số tiền ông đã cho các quỹ từ thiện hay sao?
Khi tâm bình ta sẽ nhận ra sự khác nhau giữa hai khái niệm "từ bỏ/bỏ cuộc" và "buông bỏ/buông xả". Ta được khuyên là không nên bỏ cuộc hay từ bỏ giữa chừng. Đúng. Khi ta chưa tận hiến, chưa làm hết mình, hết cách nên chưa thành công thì ta phải lì, phải kiên tâm bền chí tìm ra nguyên nhân và giải pháp. Còn khi ta đã làm hết mình, đủ bài đúng cách, sức cùng lực kiệt rồi mà vẫn không thành công rồi thì ta nên buông bỏ, buông xả đi một thời gian.
Có thể vì không có nhu cầu hay có nhưng rất ít cho sản phẩm hay dịch vụ ta cung cấp. Cũng có thể là do mô hình kinh doanh của ta không thể nhân rộng ra để có doanh số đủ lớn và mang về lợi nhuận. Làm khởi nghiệp ta nên nhớ có những ý tưởng, những thứ mà ông bà ta xưa kia đã biết, đã làm rồi nhưng chỉ để tự cung tự cấp, phục vụ nội bộ gia đình, thôn xóm hay xa hơn là làng xã mà thôi, không thể thương mại hóa trên diện rộng để kiếm tiền được. Vậy nên ta cũng nên "khởi nghiệp có ý thức", tức là có ý thức nghiên cứu, lựa chọn, thử nghiệm kỹ càng sản phẩm và dịch vụ mình sẽ làm. Làm thử nghiệm trên quy mô nhỏ trước, nếu thành công rồi hãy nhân rộng mô hình ra. Như thế sẽ giảm được sự lãng phí tài năng và nguồn lực xã hội.
Theo chủ nghĩa lạc quan mà nói, có lẽ Covid-19 vô tình hay hữu ý đến để làm thức tỉnh mục đích sống của nhân loại, trong đó có mục đích kinh doanh của giới doanh nhân toàn cầu. Vì vậy doanh nhân chúng ta hãy hết sức ý thức và bình tâm. Rất nhiều doanh nhân trong chúng ta, đặc biệt là các ngành nhạy cảm với Covid 19, đang phải đối diện khó khăn thử thách trùng trùng, phá sản và bên bờ vực phá sản.
Nếu không may ta nằm trong số đó, hay ta may mắn còn ở nhóm thiểu số kia, thì đôi ta cũng nên quay về bên trong, tìm về một nơi nào đó thật yên tĩnh, ngồi xuống để lắng lòng, trải nghiệm sức mạnh của tĩnh lặng, lắng nghe tiếng nói bên trong con người mình, để rồi ta có đủ bình tâm và dũng cảm để quyết định bước tiếp hay buông bỏ.