'Thừa tấm lòng, thiếu thông tin' khiến công tác cứu trợ chồng chéo, lãng phí
(DNTO) - Sáng 30/3, tại hội thảo "Đóng góp ý kiến sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP”, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám Đốc Oxfam tại Việt Nam cho biết, chính phủ đã chi 670 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại. Tuy nhiên tình trạng "thừa tấm lòng, thiếu thông tin" khiến công tác thiện nguyện chồng chéo, lãng phí.
Công tác thiện nguyện còn thiếu chuyên nghiệp
Chủ trì hội thảo “Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP”, ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định trong lúc Việt Nam hoạn nạn vì dịch bệnh, thiên tai, người Việt Nam đã sát cánh bên nhau, khẳng định tinh thần đoàn kết, đùm bọc, tương thân tương ái. Nhiều du khách quốc tế, người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam cũng không tránh khỏi bất ngờ, xúc động khi người dân Việt Nam dù còn nhiều khó khăn vẫn sẵn sàng chia sẻ giúp đỡ, cưu mang họ, bất chấp gánh nặng về kinh tế và thiếu thốn về cơ sở, vật chất, trang thiết bị y tế.
"Câu chuyện về cô ca sĩ Thuỷ Tiên một mình lăn xả trong bão lũ, kêu gọi ủng hộ được 200 tỷ ủng hộ người dân miền Trung là minh chứng không thể thuyết phục hơn về lòng tốt, sự nhân ái “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam. Nghĩa cử cao đẹp ấy lại được lan toả và nhân rộng thông qua những phong trào, hoạt động từ thiện diễn ra trên khắp đất nước, thu hút sự tham gia tích cực của rất nhiều nhà hảo tâm", ông Tú dẫn chứng.
Ước tính về thiệt hại, ông Tú cho hay, mùa bão lũ năm 2020, đã để lại nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung với 130 người chết, gần 300.000 hộ bị ngập, 30.000 ha đất nông nghiệp thiệt hại, ảnh hưởng tới 7 triệu người, trong đó có 1,3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, bộ NN&PTNT ước thiệt hại lên đến 30.000 tỷ đồng.
Để khắc phục hậu quả, Chính phủ đã huy động 670 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các tỉnh và đã có làn sóng thiện nguyện cứu trợ vô cùng mạnh mẽ từ các tổ chức, cá nhân khắp cả nước hỗ trợ người dân miền Trung.
Đặc biệt hơn 10 năm qua, nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về "vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn" đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, qua đó giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hiệu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai. Đồng thời khuyến khích sự giúp sức,chung tay của các "mạnh thường quân" để giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước.
Tuy nhiên theo ông Tú,quá trình thực hiện cho thấy nghị định này cũng đã bộc lộ một số bất cập, thiếu chuyên nghiệp cần phải sửa đổi ngay để đảm bảo hiệu quả và tính minh bạch cho làn sóng thiện nguyện.
"Nghị định 64 chưa cho phép cá nhân và các tổ chức tham gia công tác cứu trợ; Thời gian thực hiện cứu trợ ngắn- không đủ để giúp người dân phục hồi; về thực hiện công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm; Việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức còn thiếu chuyên nghiệp dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng nên gây mất đoàn kết trong dân; người tốt làm cứu trợ như Phan Anh, Thuỷ Tiên, Đoàn Ngọc Hải bị dèm pha, hay các thế lực lợi dụng cứu trợ để trục lợi....", ông Tú nhận định.
Cần khẩn trương xây dựng nghị định thay thế Nghị định 64
Để việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo bảo đảm hiệu quả, kịp thời, khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì nghiên cứu, lấy ý kiến rộng rãi, đầy đủ các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, đóng góp ý kiến để sửa đổi thay thế Nghị định số 64 của Chính phủ, trình Chính phủ theo quy định của pháp luật.
Cụ thể, ngày 25/12/2020, Bộ Tài chính đã công bố dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 64 trên cổng thông tin của Bộ để thu thập ý kiến đóp góp từ các cá nhân và tổ chức trong xã hội, góp tiếng nói đối với thảo luận trong công chúng và góp ý kiến cho quá trình soạn thảo sửa đổi Nghị định. Theo đó quá trình sửa đổi Nghị định cần:
Mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân.
Tăng cường sự "chuyên nghiệp hoá" và phối hợp trong công tác cứu trợ để đảm bảo hiệu quả và an toàn.
Thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ từ"quản lý" cứu trợ đến "điều phối và hỗ trợ" nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ hiệu quả.
Tổng kết hội thảo, ông Phạm Quang Tú nhấn mạnh: "Thực ra, mọi sự khái quát hóa đều chỉ mang tính tương đối. Điều quan trọng là tính “thiết thực” của công tác từ thiện, làm sao để có thể trao được cả “cần câu” và “con cá” đến đúng với người đang cần. Điều này chỉ có thể thực hiện khi công tác từ thiện được tổ chức chuyên nghiệp và bài bản trên cơ sở hợp tác, trách nhiệm, với sự chủ động, có tầm nhìn và đích đến rõ ràng".