Áp thuế giá trị gia tăng đối với thư tín dụng gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng
(DNTO) - Tại Hội nghị trao đổi về thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) tổ chức sáng 23/3, đại diện các ngân hàng cho rằng, áp thuế giá trị gia tăng đối với toàn bộ nghiệp vụ thư tín dụng là bất cập, gây khó khăn cho tổ chức tín dụng.
Báo cáo về tình hình thực hiện thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động thư tín dụng, bà Nguyễn Thị Xuân, đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, Luật Thuế giá trị gia tăng và công văn hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng trước đây đều không đề cập đến việc thu thuế giá trị gia tăng cho nghiệp vụ thư tín dụng.
Tuy nhiên, ngày 22/4/2020,Tổng cục Thuế có văn bản chỉ đạo thư tín dụng là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định và sẽ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng.
Bà Xuân cũng nêu rõ, quy định tại công văn số 1606 được đánh giá là không phù hợp quy định pháp luật ngân hàng, thông lệ quốc tế UCP 600 và bản chất của nghiệp vụ thư tín dụng, gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng.
Theo Luật Các tổ chức tín dụng 2010, quy định cấp tín dụng gồm: cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các nghiệp vụ khác sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.
Thông tư 22/2019/TT-NHNN quy định rõ thư tín dụng là một trong các hình thức cấp tín dụng. Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng phải phân loại nợ đối với nghiệp vụ thư tín dụng tương ứng như bảo lãnh và các khoản cấp tín dụng khác, đồng thời được tính trong tổng mức dư nợ cấp tín dụng của tổ chức tín dụng...
"Đề nghị các cục thuế rà soát hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011", bà Xuân nhấn mạnh.
Về việc tổ chức hồi tố thu thuế giá trị gia tăng đối với khoản thư tín dụng, ông Nguyễn Quốc Hùng,Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết, thư tín dụng thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong thư tín dụng được thực hiện đúng và đầy đủ.
Nếu người mua không thanh toán đúng hạn, ngân hàng phát hành thực hiện cho vay bắt buộc đối với người mua để thanh toán cho người bán. Vì vậy, các khoản thu về phát hành, xác nhận, thông báo thư tín dụng là khoản thu bảo lãnh thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.
"Hồi tố thu thuế giá trị gia tăng đối với khoản thư tín dụng gây rất nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Do bản chất thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế giá trị gia tăng đối với dịch vụ thư tín dụng trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý. Thống kê lại các khoản thư tín dụng trong một năm đã khó, chưa nói là 10 năm qua khách hàng của ngân hàng biến động rất lớn, nên việc hồi tố thu thuế giá trị gia tăng các khoản thư tín dụng là rất khó khăn, phức tạp”, ông Hùng nói thêm.
Bày tỏ sự đồng thuận của mình, đại diện nhóm công tác ngân hàng nước ngoài cho rằng, các chuyên gia thuế nước ngoài đều ngạc nhiên với kiến nghị thu thuế giá trị gia tăng đối với nghiệp vụ thư tín dụng.
“Việt Nam sắp gia nhập Hiệp hội Thương mại quốc tế, do đó nên tham khảo thông lệ thực tiễn trên thế giới liên quan đến nghiệp vụ thuế giá trị gia tăng, tránh tình trạng không thống nhất với các nước trên thế giới. Vì thư tín dụng là nghiệp vụ theo thông lệ quốc tế mà hầu hết các nước đang áp dụng”, vị này khuyến nghị.
Tổng kết cuộc họp, Tổng Thư ký Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh: Thư tín dụng là hoạt động lưỡng tính, đối với phần liên quan đến tín dụng, phải chịu rủi ro, thì đó là hoạt động cấp tín dụng và không phải nộp thuế, còn phần nào không liên quan đến tín dụng thì chịu thuế theo quy định.
Để giải quyết bất cập trên, ông Hùng đề xuất Ngân hàng Nhà nước cần có quan điểm hết sức rõ ràng, lý giải trên cơ sở quy định pháp luật để Bộ Tài chính, Tổng cục thuế, Bộ Tư pháp và cơ quan khác hiểu được đầy đủ chính xác nhằm có phương án tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc các tổ chức tín dụng đang gặp phải. Từ đó hướng tới một giải pháp phù hợp, vừa đảm bảo thu ngân sách, vừa thông thoáng đảm bảo hoạt động của các tổ chức tín dụng.
“Về phía Hiệp hội Ngân hàng với vai trò là cầu nối, sẽ tổng hợp ý kiến hội viên là các tổ chức tín dụng để báo cáo Thủ tướng. Qua đó mong muốn các tổ chức tín dụng thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng, đồng thời phải theo thông lệ quốc tế, đảm bảo hoạt động một cách hiệu quả nhất tạo điều kiện cho khách hàng doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế”, ông Hùng nhận định.