Thủ tướng yêu cầu phải có vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 2/2021
(DNTO) - Chiều 15/2 (mùng 4 Tết), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19. Theo đó, Thủ tướng lưu ý, có vaccine cho người dân lúc này trở thành vấn đề cấp bách, phải thực hiện trong tháng 2/2021.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ Y tế cho biết, từ ngày 25/1 đến nay đã ghi nhận 642 trường hợp mắc trong nước tại tại 13 tỉnh, thành phố gồm Hải Dương (465), Quảng Ninh (59), TP.Hồ Chí Minh (36), Hà Nội (32), Gia Lai (27), Bình Dương (6), Bắc Ninh (5), Điện Biên (3), Hưng Yên (3), Hòa Bình (2), Bắc Giang (2), Hải Phòng (1), Hà Giang (1).
Nhận định chung, Bộ Y tế cho rằng, trong vòng 16 ngày vừa qua, 12/13 tỉnh (trừ Hải Dương), đang có xu hướng giảm ca mắc trong ngày. Nhìn chung tình hình dịch tại các tỉnh, thành phố đã cơ bản được kiểm soát. Ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được khống chế với các giải pháp phòng chống dịch quyết liệt; tính từ thời điểm ghi nhận 29 ca mắc (ngày 8/2), cao nhất trong ngày tại TP.HCM, 7 ngày vừa qua thành phố chỉ ghi nhận rải rác từ 1 đến 2 ca trong ngày, riêng 2 ngày gần đây không có ca mắc.
TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách nơi khả năng lây nhiễm cao Covid-19
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương “các lực lượng phòng chống dịch đã làm việc xuyên Tết, không nghỉ”. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tất cả các địa phương trên cả nước phải tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 của Thủ tướng mạnh mẽ hơn, cụ thể hơn, linh hoạt hơn trên tinh thần: Đẩy mạnh chiến lược phòng, chống dịch, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng và nhanh, phong tỏa hẹp, truy vết thần tốc.
Các địa phương cần nhất quán thực hiện một chiến dịch chống dịch hiệu quả, cả về y tế và kinh tế xã hội. Trong đó, ưu tiên kiểm soát dịch bệnh, không để lây lan trên diện rộng ở một số thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM…
Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố, trước hết là 20 tỉnh (13 tỉnh đã có xuất hiện ổ dịch và 7 tỉnh biên giới) có những hành động cụ thể tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05 phù hợp với hoàn cảnh của địa phương mình nghiêm túc, chặt chẽ, kịp thời.
Thủ tướng đồng ý dừng các lễ hội, các hoạt động tôn giáo, tập trung đông người; hạn chế đi chúc Tết du Xuân trong những ngày đầu tháng Giêng này. Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương xem xét việc đi học cụ thể theo tình hình của từng nơi.
Thủ tướng yêu cầu ngành y tế xét nghiệm lại các chuyên gia vào Việt Nam một cách nghiêm túc. Các địa phương phải quản lý chặt chẽ các khu vực cách ly, khu bị phong tỏa, không để lây nhiễm chéo trong những nơi này.
Thủ tướng giao lực lượng quân đội đảm nhận các khu cách ly tập trung. Vấn đề phòng, chống dịch phải đi từ cơ sở, 4 tại chỗ; không đặt vấn đề dừng sản xuất kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn.
Các địa phương đang có dịch tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhanh chóng dập tắt dứt điểm dịch bệnh.
Thủ tướng nhất trí việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đối với toàn bộ tỉnh Hải Dương để ngăn chặn dịch một cách quyết liệt, cụ thể, hiệu quả; TP.HCM, Hà Nội có thể giãn cách một số khu vực có khả năng lây nhiễm cao.
Từ vụ việc công dân Nhật Bản bị nhiễm Covid-19 tử vong tại khách sạn ở Hà Nội, Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường, khai báo y tế, siết lại những biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú. Đồng thời cần có quy trình chuẩn xử lý những ca nghi nhiễm Covid-19, không chỉ cho ngành y tế và tất cả lực lượng cũng cần được phổ biến.
"Bộ Y tế nghiên cứu đề xuất các cách tiếp cận chống dịch mới trước tình hình mới; cần chuẩn bị sẵn sàng cách ly lớn khi tình huống xấu xảy ra. Ngành y tế xem xét khả năng thực hiện dịch vụ xét nghiệm theo nhu cầu và đồng chi trả để Nhà nước và nhân dân cùng đóng góp", Thủ tướng nói.
Ngoài ra, ngành Y tế và Công thương đảm bảo sinh phẩm xét nghiệm, vật tư, trang thiết bị y tế được cung ứng đầy đủ, kịp thời cho công tác phòng, chống dịch...
Thủ tướng yêu cầu phải có vaccine Covid-19 trong tháng 2
Về vấn đề vaccine Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục khẩn trương chỉ đạo thực hiện nhập khẩu vaccine để sớm đưa vaccine về Việt Nam phục vụ người dân. Thúc đẩy nhanh việc nghiên cứu sử dụng các vaccine sản xuất trong nước.
“Trong lúc này, nhập khẩu vaccine phòng Covid-19 phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý, trong tháng 2 phải có được vaccine từ nguồn viện trợ theo chương trình COVAX và nguồn nhập khẩu, đồng thời với đó là đẩy mạnh sản xuất trong nước.
Bộ trưởng Bộ Y tế xem xét, quyết định cụ thể việc lựa chọn phương án, đối tác, loại vaccine, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất nguồn tài chính, xác định đối tượng cần ưu tiên, những vấn đề vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
“Nhân dịp này, tôi cũng xin nói nhiều doanh nghiệp, nhiều địa phương sẵn sàng đóng góp kinh phí để mua vaccine”, Thủ tướng nói.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường, Bộ Y tế cơ bản làm xong thủ tục tiếp nhận vaccine theo chương trình COVAX. Cuối tháng 2 này, nếu sắp xếp kịp chuyến bay và hoàn thiện tốt các thủ tục thì có vaccine theo 2 nguồn từ chương trình COVAX là 4,8 triệu liều và nhập khẩu hơn 117.000 liều, chúng ta có khoảng 5 triệu liều để tiêm mũi thứ nhất. Như vậy, đợt đầu có thể tiêm cho 5 triệu người.