Thị trường ô tô năm 2021 sẽ tăng trưởng ấn tượng?
(DNTO) - Trước đại dịch Covid-19, những tưởng thị trường ô tô Việt ngã quỵ, vì doanh số xe mới giảm liên tục trung bình 40% trong 5 tháng đầu năm. Thế nhưng nhờ công tác kiểm soát tốt dịch bệnh, thị trường ô tô bật tăng trở lại mạnh mẽ. Kết thúc năm 2020, ngành ô tô đã có kết quả ngoài mong đợi.
Cơn các mộng chung toàn ngành
Như một phản ứng dây chuyền, ngành ô tô thế giới như tê liệt khi lần lượt các nhà máy lắp ráp sản xuất đóng cửa do thiếu linh kiện, vì Trung Quốc là cái nôi sản xuất linh kiện cho ngành ô tô toàn cầu. Bên cạnh đó, hàng loạt các triển lãm tên tuổi cũng bị hủy bỏ, hoặc các thương hiệu xe buộc phải chuyển qua làm ra mắt trực tuyến, đồng nghĩa với cơ hội cho sản phẩm mới bị giảm.
Khi ngành sản xuất ô tô bị ngưng trệ, những tưởng sẽ xuất hiện sự khan hiếm trên thị trường, nhất là cả với những nguồn ô tô nhập, nhưng thực tế lại không như thế. Lo toan dịch bệnh khiến nhu cầu mua ô tô bị gác lại, khiến thị trường ô tô mới giảm doanh số mạnh. Ở mảng thị trường ô tô đã qua sử dụng dù luôn sôi động bất chấp xe mới có giá mềm ra mắt hàng loạt, nhưng cũng lâm vào cảnh bi đát, giảm sâu tới hơn 20%.
Trong báo cáo bán hàng của VAMA những tháng đầu năm 2020 luôn xuất hiện hai tiêu chí là mức giảm doanh số trung bình khoảng 40% so với cùng kỳ và từ 20 - 30% so với tháng trước đó. Những con số nói lên sự ảm đạm của thị trường trong những tháng nóng rực đại dịch Covid trên thế giới và Việt Nam.
Toàn cảnh thị trường ô tô Việt Nam là một màu xám, với đà lao dốc như thế chẳng có hy vọng gì nhiều vào một kết quả đẹp, trong số hàng vài chục dòng xe mới bán trên thị trường thì chỉ có vài mẫu có doanh số sáng sủa như: Mitsubishi Xpander, Toyota Vios, Hyundai Accent, Ford Ranger, là có doanh số hàng tháng đạt trên dưới 1.000 xe. Bên cạnh đó chỉ có VinFast là hãng xe có mức tăng trưởng doanh số ổn định trong những tháng đầu năm, nhờ những chính sách bán hàng ưu đãi lớn luôn được duy trì.
Phân khúc xe sang cũng chung cảnh ngộ, do ảnh hưởng Covid nên nguồn xe nhập khẩu về cũng bị ngưng trệ, lượng khách hàng nhà giàu cũng tính toán hơn trong việc mua xe. Trong số những thương hiệu xe hạng sang phổ biến nhất là: Mercedes-Benz, BMW, Lexus, Audi, thì hãng xe ngôi sao ba cánh có lợi thế nhất vì có sản phẩm được lắp ráp trong nước, với hai sản phẩm chủ lực là SUV GLC và C-Class vẫn bán đều đều.
Lội ngược dòng ngoạn mục
Người có tinh thần lạc quan nhất cũng không nghĩ rằng thị trường ô tô sẽ bật nhảy như chiếc lò xo bị kìm nén, nhưng điều thần kỳ dần xảy ra. Bắt đầu từ tháng 5/2020 khi Chính phủ kiểm soát được dịch bệnh, mọi thứ dần trở lại, doanh số tháng 5 tăng 67% so với tháng 4 và là bước ngoặc tạo đà cho thị trường khởi sắc trở lại. Từ đây những con số báo cáo bán hàng từng tháng cứ đẹp dần lên một cách ấn tượng mặc dù vẫn kém hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Thị trường xe du lịch nhộn nhịp trở lại thấy rõ, nó còn được tiếp sức bởi hàng loạt mẫu mới trong phân khúc phổ thông cỡ nhỏ ăn khách như: Suzuki XL7, Kia Seltos, Xpander Cross, Toyota Cross. Ở phân khúc cỡ trung có Kia Sorento, Mitsubishi Pajero, Toyota Fortuner. Một cú hích nữa đánh trúng mục tiêu là xe lắp ráp trong nước được giảm phí trước bạ lên tới 50% cũng làm cho nhiều khách hàng xuống tiền chớp cơ hội sở hữu ô tô. Lần đầu tiên triển lãm lớn nhất trong năm Vietnam Motor Show bị hủy bỏ, nhưng cũng không làm sức bật dậy của thị trường giảm đi.
Nổi lên đóng góp nhiều vào doanh số thị trường ô tô là thương hiệu xe VinFast, với lợi thế xe lắp ráp được hưởng 50% phí trước bạ, VinFast còn luôn tạo ra những “mồi câu” hấp dẫn bằng nguồn lực dồi dào của mình để gia tăng doanh số, biến những mẫu xe ô tô của mình chiếm luôn cả ngôi đầu phân khúc như Fadil và Lux A 2.0.
Phân khúc xe sang cũng bắt đầu tăng trưởng trở lại, chẳng hạn như lô xe Audi Q8 hay Land Rover Defender mang về được bán sạch. Khách mua những mẫu Mercedes-Benz phổ biến phải chờ và có phần tăng giá nhẹ.
Trong số liệu bán hàng của VAMA chỉ thể hiện một cách tương đối và chưa đầy đủ, khi thiếu vắng số liệu bán hàng của các thương hiệu xe nhập khẩu. Bên cạnh đó không thể không nhắc tới Hyundai Thành Công với doanh số bán cộng dồn trong từng tháng cũng đứng nhất nhì thị trường. Những dòng xe chủ lực như Hyundai Grand i10 hay Accent, ở phân khúc cao hơn có Tucson và Santafe phiên bản mới cũng nằm trong top xe bán chạy nhất phân khúc.
Tổng doanh số bán hàng toàn thị trường tính đến hết tháng 12/2020, đạt 221.274 xe du lịch, giảm 7% so với năm 2019, nhưng chưa bao gồm doanh số của VinFast, Hyundai và các thương hiệu xe nhập khẩu không nằm trong hệ thống báo cáo của VAMA. Đây là con số rất ấn tượng khi thị trường đầy khó khăn trong năm 2020.
Với những gì đang diễn ra, dự báo trong năm 2021 nếu Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, doanh số ô tô sẽ còn ấn tượng hơn nữa.