Đề án kiểm tra khí thải xe mô tô, xe gắn máy - hiệu quả cần được làm rõ
(DNTO) - Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tổng chi phí dự kiến thực hiện đề án là 553 tỷ đồng với lộ trình chia làm 4 giai đoạn.
Đề án “Thí điểm kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy đang lưu hành trên địa bàn TP HCM” còn nặng về lý thuyết hơn là thực tiễn, vấn đề chính sách đặt ra cho phù hợp với lòng dân và phải đảm bảo lợi ích cho nhân dân. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đặt ra tại hội nghị phản biện xã hội đối với đề án trên, do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố tổ chức vào sáng nay (8/12).
Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, tổng chi phí dự kiến thực hiện đề án là 553 tỷ đồng với lộ trình chia làm 4 giai đoạn. Cụ thể là năm 2021 bắt đầu tuyên truyền sâu rộng trên địa bàn về chính sách kiểm soát khí thải, đầu tư 88 trạm kiểm định.
Giai đoạn 2022-2023 duy trì 88 trạm kiểm định và thực hiện kiểm tra khí thải toàn bộ xe đang lưu hành để xây dựng cơ sở dữ liệu, đồng thời thu phí 50.000 đồng/xe/năm đối với các xe máy sử dụng từ 5 năm trở lên. Từ năm 2024-2025 tăng thêm 78 trạm kiểm định và từ năm 2026 trở đi thực hiện kiểm soát khí thải đối với tất cả các xe gắn máy tại 13 quận trung tâm.
Tại hội nghị, các ý kiến cho rằng việc xây dựng đề án là cần thiết nhưng đem lại hiệu quả gì thì chưa được đánh giá rõ ràng, không thuyết minh được lộ trình đầu tư nhằm đảm bảo tiết kiệm tối đa ngân sách. Việc giảm khí thải ô nhiễm ra môi trường là vấn đề bức xúc, liên quan đến đời sống nhân dân, song đề án nêu số lượng xe gắn máy lưu thông trên địa bàn gần 8 triệu chiếc là chưa chính xác, vì chưa thống kê số xe đăng ký ngoài tỉnh, cũng như xe của lực lượng công an, quân đội… dẫn đến chưa đủ độ tin cậy và chưa có tính thuyết phục cao.
Luật sư Trương Thị Hòa – Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng độ thuyết phục của đề án chưa cao vì xe gắn máy rất nhiều trong khi những mẫu kiểm định chỉ có khoảng 10.000 là quá thấp; việc đào tạo các chuyên gia kiểm định cũng cần phải được tính toán kỹ. Do đó, đề án cần được nghiên cứu, bổ sung thêm nhiều nội dung.
"Đề án này đòi hỏi sự đầu tư về tài chính, thời gian rất nhiều vì trong việc kiểm định cần rất nhiều thời gian và chúng tôi chưa thấy nêu được mục tiêu và lợi ích và có tác động như thế nào khi thực hiện đề án đối với môi trường, đem lại lợi ích cho người dân. Trong Đề án chưa thấy vai trò của mặt trận, các đoàn thể thành viên vốn rất quan trọng, nếu không được làm rõ thì sẽ gây khó khăn cho việc tạo sự đồng thuận" - luật sư Trương Thị Hòa chia sẻ.
Ngọc Xuân /VOV