Thị trường đường 'nhảy múa' bất ngờ
(DNTO) - Trước mùa vụ 2020 - 2021, giới phân tích cho rằng bên cạnh những triển vọng trong ngắn hạn, ngành đường phải đối mặt với nhiều thách thức trong niên vụ mới.
Nhiều dư địa đầy triển vọng
Theo phân tích của Công ty chứng khoán Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương (VCBS), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020, đã mở ra cơ hội xuất khẩu đường chất lượng cao sang EU. Theo đó, hạn ngạch thuế quan với mức 10.000 tấn đường trắng và 10.000 tấn sản phẩm chứa trên 80% đường, và thuế suất 339 EUR/tấn đối với đường thô và 419 EUR/tấn đối với đường tinh luyện sẽ giảm dần theo lộ trình.
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng đường nhập khẩu của EU trong niên vụ 2020/2021 ước đạt 3,0 triệu tấn (tăng 43%, mức tăng cao so với dự báo cũ là 2,1 triệu tấn), những doanh nghiệp được hưởng lợi đảm bảo được các yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
Triển vọng khác cho ngành đường là Việt Nam đã có những bước đầu tiên trong việc phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường. Ông Lê Triệu Dũng, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) đã khẳng định, ngành sản xuất trong nước đã cung cấp các thông tin, bằng chứng cho thấy sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đang bị bán phá giá vào Việt Nam và Chính phủ Thái Lan đã và đang duy trì một số chính sách trợ cấp cho hoạt động trồng mía của người nông dân và ngành sản xuất mía đường.
Kể từ khi bỏ hạn ngạch thuế quan đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN, tổng lượng đường mía nhập khẩu vào Việt Nam đã tăng nhanh, đạt xấp xỉ 1,3 triệu tấn trong 10 tháng đầu năm 2020. Ngoài ra, giá đường nhập khẩu cũng rất thấp, gây nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp sản xuất đường cũng như các hộ nông dân trồng mía trên cả nước.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) cho hay, vụ ép mía 2019/2020 của ngành đường Việt Nam chỉ đạt được sản lượng là 7,387,610 tấn mía, giảm 38,4% so với niên vụ trước và sản lượng đường đạt 79,169 tấn đường các loại, giảm 35,9% do ảnh hưởng của nhiều yếu tố như: thời tiết, dịch bệnh cũng như phải cạnh tranh với đường nhập khẩu khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực.
Giá đường liên tục biến động
Giá đường thế giới mấy phiên gần đây liên tiếp giảm. Phiên giao dịch gần đây nhất, ngày 22/1, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 có lúc xuống 15,80 US cent/lb – thấp nhất trong vòng 1 tuần; đường trắng cũng giảm 5,5 USD xuống 444,8 USD/tấn. Tính chung cả tuần, giá đã mất gần 4%.
Các nhà kinh doanh đường cho biết, hoạt động bán tháo đang diễn ra sau đợt giá tăng mạnh gần đây, và các quỹ hàng hóa có vẻ đang điều chỉnh danh mục đầu tư.
Diễn biến này gây ngạc nhiên cho nhiều nhà kinh doanh đường và kể cả những nhà phân tích hàng hóa có uy tín.
Dự đoán về thị trường nông sản vốn dĩ không phải là việc dễ dàng. Trên thực tế, các nhà kinh doanh đường hàng đầu thế giới cũng đã sai lầm khi cách đây một năm dự đoán rằng thị trường đường năm 2020 sẽ kéo dài những chuỗi ngày giảm giá.
Dự đoán của các nhà phân tích và kinh doanh đường càng sai hơn khi mà giá đường chỉ thực sự tăng mạnh từ tháng 10/2020. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, thị trường đường đã lấy lại nhiều hơn những gì đã mất, để giá đường năm 2020 tăng mạnh khoảng 17%.
Theo đó, đường thô kỳ hạn tháng 3/2021 trên sàn New York kết thúc năm 2020 ở mức 15,53 US cent/lb, trong khi đường trắng ở 420,9 USD/tấn, đều cao nhất trong vòng 4 tuần. So với đầu năm 2020, giá ở thời điểm cuối năm cao hơn 17,2%.
Cùng với sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, để bảo vệ lợi ích chính đáng cho ngành đường, ngày 21/9/2020, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định số 2466/QĐ-BCT về việc khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Tới nay, Bộ Công thương đã gửi bản câu hỏi điều tra cho các bên liên quan để thu thập thông tin nhằm phân tích, đánh giá các nội dung cáo buộc gồm: hành vi bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan; hành vi trợ cấp của Chính phủ Thái Lan đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Thái Lan; thiệt hại của ngành sản xuất đường mía của Việt Nam…
Với sự vào cuộc này, ông Thái Văn Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP đường Tuy Hòa kỳ vọng, khi có kết quả điều tra chống bán phá giá thì thị trường đường Việt Nam sẽ khởi sắc hơn. Bởi theo ông Hùng, trình độ sản xuất mía và đường của nông dân và doanh nghiệp Việt Nam không hề thua kém các nước khác nên hoàn toàn tự tin cạnh tranh sòng phẳng trên sân nhà.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo năm 2019/20 thị trường đường thế giới sẽ thiếu hụt 6,1 triệu tấn, là mức thiếu hụt nhiều nhất trong vòng ít nhất 1 thập kỷ. Mặc dù sản lượng mía của Brazil sẽ cao kỷ lục (40 triệu tấn), trong đó 46% được dùng sản xuất đường, tăng so với 35% của năm 2019.