'Thế giới nhìn nhận lạc quan về Việt Nam'
(DNTO) - Đó là chia sẻ của ông Trần Hoàng Ngân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM - HIDS tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP.HCM và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, để nghe kiến nghị của các doanh nghiệp và bàn giải pháp hỗ trợ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngân cho biết trên thế giới hiện có khoảng 175 triệu người nhiễm Covid-19, trong đó Việt Nam có hơn 9.600 ca bệnh. Riêng đợt dịch thứ 4, số ca nhiễm ở nước ta cao gấp 2 lần tổng bệnh nhân của 3 đợt dịch đầu tiên.
Ông Ngân cho rằng: “Tiêm vaccine là con đường duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường. Do đó, thời gian qua thế giới đã triển khai đợt tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử”.
Theo ông, trong năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra những kịch bản kinh tế lạc quan hơn so với năm 2020, đặc biệt ở các nước phát triển. Báo cáo gần đây cho thấy kinh tế thế giới phục hồi rất mạnh, thể hiện ở tỷ lệ tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay như Mỹ với 6,4%, Trung Quốc 18,3%, Hàn Quốc 1,8%, và Việt Nam là 5,58%...
Ông Ngân cho biết, thế giới nhìn nhận lạc quan về Việt Nam bởi năm 2020, chúng ta kiểm soát dịch rất tốt. WB đánh giá Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% năm 2021. Mỹ xếp Việt Nam vào nhóm ít nguy cơ, người dân được ưu tiên khi tới Mỹ.
"Điều đó cho thấy sự lạc quan về kinh tế Việt Nam rất lớn” - ông Trần Hoàng Ngân nhận định.
Viện trưởng HIDS cho biết sự phục hồi kinh tế thế giới có một số tác động tiêu cực đến tình hình cung cầu. Kinh tế phục hồi nên tổng cầu hàng hóa tăng lên, dẫn đến cú sốc về mặt giá cả. Chi ngân sách các nước tăng lên và nguồn thu giảm xuống dẫn đến bội chi, nợ công tăng.
Ông Ngân cho rằng vấn đề lớn nhất cần quan tâm là tình hình lạm phát, giá cả một số mặt hàng quan trọng tăng cao. Ví dụ, quặng sắt tăng từ 100 USD lên 210 USD, dầu thô tăng từ 31 USD lên 70 USD. Giá thép, nhôm, phân bón, thức ăn, gia súc, đậu bắp, đậu tương đều tăng từ 50 đến 100%. Điều này dẫn đến tác động nặng nề với ngành xây dựng, nông nghiệp cũng như đầu tư công.
"Rồi tới đây, kinh phí các dự án đầu tư công sẽ bị tác động" - ông Ngân dự báo.
Về mặt tích cực, kinh tế phục hồi dẫn đến nhu cầu hàng hóa tăng. Điều này cho thấy thị trường cho Việt Nam đang rất lớn. Ông Ngân dẫn chứng một doanh nghiệp may mặc ở Việt Nam cho biết đơn đặt hàng hiện dày đặc, từ nay đến cuối năm "chỉ lo làm không hết". Tuy nhiên, doanh nghiệp rất lo lắng về nguy cơ công nhân nhiễm bệnh, phải phong tỏa, cách ly.