Thấy gì từ dòng vốn ngoại 'rơi tự do' gần 39% trong 3 tháng đầu năm?

(DNTO) - Thực tế 3 tháng đầu năm, số dự án thu hút được nguồn vốn đầu tư FDI vẫn chưa đạt cả về số lượng và chất lượng, bởi vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế, cần phải có giải pháp đồng bộ để thu hút nhà đầu tư. Vấn đề là Việt Nam phải nhanh chóng hành động tăng tốc để không bỏ lỡ cơ hội này.

Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3 các năm 2019-2023. Ảnh: TL.
Số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, thiếu vắng các dự án lớn nên quý I năm nay vốn đăng ký lẫn vốn giải ngân vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng số vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2023 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 5,45 tỷ USD, giảm 38,8% so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, trong quý I/2023, có 522 dự án FDI mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 3 tỷ USD, tăng 62,1% về số lượng dự án và giảm 5,9% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, có 228 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn tăng thêm đạt hơn 1,2 tỷ USD, tăng 2,6% về số lượt dự án và giảm 70,3% về số vốn so với cùng kỳ.
Không chỉ vốn đăng ký giảm, số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho biết, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỉ USD, giảm 2,2%.
Đánh giá chung về tình hình thu hút FDI của Việt Nam trong quý đầu năm, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, cơ cấu vốn đầu tư nước ngoài theo cách thức đầu tư vốn có sự thay đổi so với cùng kỳ năm 2022.
Cụ thể, tỉ trọng vốn đầu tư mới trong tổng vốn đăng ký tăng lên (chiếm hơn 55,5% so với 36% cùng kỳ năm 2022), trong khi tỉ trọng vốn đầu tư điều chỉnh giảm đi (chiếm 22,2% so với 45,6% trong cùng kỳ).
Bên cạnh đó, tỉ trọng góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 tăng nhẹ lên mức 22,3% từ mức 18,3% trong 3 tháng đầu năm 2022.

Việt Nam cần tập trung vào ba điểm đột phá chính là hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ để hút FDI. Ảnh: TL.
Các chuyên gia nhìn nhận, đà thu hẹp quy mô dòng vốn FDI toàn cầu vẫn khó tránh những tháng đầu năm nay là ảnh hưởng tất yếu của diễn biến thế giới từ năm ngoái và vẫn tiếp diễn đến hiện tại gồm: căng thẳng địa chính trị, áp lực lạm phát, nhu cầu toàn cầu giảm, nguy cơ suy thoái, điều kiện tài chính thắt chặt… Tất cả sự kiện này đều gây áp lực giảm đối với việc mở rộng kinh doanh trên toàn cầu, khiến cho môi trường kinh doanh và đầu tư toàn cầu thay đổi đáng kể.
Ngoài ra, nhiều nền kinh tế lớn có xu hướng "gọi mời" FDI quay trở về nước. Như Mỹ với các chính sách như giảm thuế thu nhập từ 25% xuống 21%, cải cách thủ tục cấp phép đầu tư, Liên minh châu Âu (EU) thúc đẩy kinh tế “tự chủ chiến lược” thông qua kiểm soát nguồn vốn đầu tư ra nước ngoài…
Đặc biệt, để kiểm chế áp lực lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có 3 đợt tăng mạnh lãi suất liên tiếp, các chuyên gia cho rằng việc này đã và đang tác động trực tiếp và gián tiếp đến dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng châu Á (ADB) tại Việt Nam, cho rằng, lịch sử của các đợt tăng lãi suất của Fed, dòng vốn vào các thị trường mới nổi sẽ luôn "đảo chiều" và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, việc điều chỉnh lãi suất mới đây cũng tạo ra hiện tượng đảo chiều của dòng vốn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, dòng vốn này đã được rút ra chủ yếu từ thị trường chứng khoán, còn dòng vốn FDI có giảm nhưng không đáng kể.
“Dòng vốn đăng kí mới vào Việt Nam èo uột so với cùng kỳ, do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư khi nhìn vào tốc độ phục hồi kinh tế thế giới còn tương đối rủi ro, nên họ cân nhắc kỹ lưỡng về việc đầu tư ở đâu, thời điểm nào”, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhận định.
Để "giữ chân" vốn ngoại, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, Việt Nam cần tập trung vào 3 điểm đột phá chính là hạ tầng, nguồn nhân lực và công nghiệp hỗ trợ. Muốn thu hút FDI, chúng ta phải sẵn sàng quỹ đất sạch để đáp ứng nhu cầu của những dự án "khủng". Cùng với đó là việc xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ, giảm thiểu chi phí logistics bất hợp lý.
Nhấn mạnh về vấn đề này, Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn, cho rằng, chúng ta phải có loạt doanh nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện để thu hút và giữ chân dòng vốn FDI...
Đồng thời khẳng định, phải có chính sách thiết thực, đủ mạnh và kịp thời để "thúc" công nghiệp hỗ trợ, cũng như đổi mới mô hình phát triển công nghiệp. "Tôi đề xuất phần chênh lệch thu được từ thuế (nếu Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu 15% vào năm 2024), nên trích một phần cho phát triển công nghiệp hỗ trợ", Phó Chủ tịch VAFIE Nguyễn Văn Toàn kiến nghị.