Tháng 10 trình Quốc hội tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP.HCM
(DNTO) - Đại diện Bộ Tài chính cho biết Chính phủ sẽ trình tăng tỷ lệ ngân sách giữ lại cho TP.HCM cùng dự toán ngân sách năm 2022 ở kỳ họp Quốc hội tháng 10.
Thông tin trên được ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) cho VnExpress biết ngày 18/5. Bộ Tài chính là cơ quan được Thủ tướng giao nghiên cứu tính toán, xác định cụ thể để báo cáo Chính phủ và làm tờ trình gửi Quốc hội.
Đề án tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM từ 18% lên 23% giai đoạn 2022-2025 và lên 26% vào 2026-2030 đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính ủng hộ tối đa.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu được tăng 5% tỷ lệ điều tiết ngân sách giai đoạn 2022-2025, ước tính thành phố sẽ thêm mỗi năm nguồn vốn khoảng 10.000 tỷ đồng. Số tiền này không chỉ giúp TP HCM giải quyết những vấn đề nội tại mà còn là "khoản đầu tư sinh lời" của cả nước.
Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị năm 2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020 từng đặt vấn đề tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách để lại cho thành phố. Nhưng từ năm 2017, tỷ lệ này không tăng mà lại bị giảm từ 23% xuống 18% và duy trì cho đến nay.
Theo ông Võ Thành Hưng, việc xác định mức tỷ lệ điều tiết ngân sách của TP HCM và một số địa phương trọng điểm thu thời gian qua đã được các đại biểu Quốc hội Khoá XIV thảo luận kỹ và quyết định, tính đến cân đối nguồn lực ngân sách chung của quốc gia và yêu cầu nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của TP HCM cũng như các địa phương khó khăn khác.
Ngoài việc đề xuất tăng tỷ lệ điều tiết cho khoản thu phân chia phần trăm, có ý kiến cho rằng cũng tới lúc nên xem xét để lại nguồn thu thuế xuất nhập khẩu tỷ lệ nào đó nhằm động viên địa phương, trong bối cảnh thành phố cần phải giải quyết nhiều vấn đề bất cập về cơ sở hạ tầng. Hiện nay, TP HCM là địa phương có nguồn thu lớn trăm nghìn tỷ đồng từ thuế xuất, nhập khẩu và được chuyển 100% về ngân sách trung ương, theo Luật Ngân sách.
Tuy nhiên, Vụ trưởng Võ Thành Hưng cho biết, theo thông lệ quốc tế, không riêng tại Việt Nam, các khoản thuế xuất, nhập khẩu được chuyển 100% về ngân sách trung ương.
Lý giải kỹ hơn, ông nói, hàng hoá nhập khẩu từ bên ngoài về Việt Nam thường đi qua một số cảng biển lớn, trong đó có các cảng trên địa bàn TP HCM, nhưng có thể bao gồm hàng hoá của nhiều doanh nghiệp các địa phương khác như Bình Phước, Bình Dương... Bên cạnh đó, theo cơ chế hiện nay, doanh nghiệp được lựa chọn mở tờ khai hàng nhập khẩu ở bất kỳ cơ quan hải quan nào, nghĩa là hàng hoá có thể đi qua các cảng khác, nhưng doanh nghiệp được phép mở tờ khai và nộp thuế tại hải quan TP HCM. Bởi vậy, việc điều tiết toàn bộ thuế xuất, nhập khẩu về ngân sách trung ương là hợp lý.
Để tạo điều kiện cho các địa phương có thêm nguồn thu xử lý các vấn đề về hạ tầng do tác động của lưu lượng hàng hoá nhập khẩu đi qua thành phố, Luật phí và lệ phí năm 2015 đã cho phép các địa phương có cửa khẩu được quyền thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu. Vụ trưởng Ngân sách cho biết, TP HCM sẽ thu khoản phí này từ 1/7 năm nay và dự kiến đem về cho ngân sách thành phố khoảng 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Hiện nay, Bộ Tài chính được giao nghiên cứu đề án đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách để vừa đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương, vừa khuyến khích vai trò chủ động của ngân sách địa phương, theo đó có thể phải xem xét sửa đổi một số bất cập trong Luật Ngân sách nhà nước hiện hành. Còn việc xác định và điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM trong năm 2022 và thời kỳ ổn định ngân sách tới đây, theo đại diện Bộ Tài chính, không phụ thuộc vào tiến độ sửa đổi Luật Ngân sách.