Tăng trưởng kinh tế gắn với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội
(DNTO) - Một trong những nội dung quan trọng nhất và cũng là mục tiêu cốt yếu nhất để quản trị xã hội là bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Tiền đề vật chất mang tính quyết định để thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là tăng trưởng kinh tế và kết quả thực tế của nhiệm vụ hệ trọng này phải là làm sao đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế và đồng thời bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội.
Hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều quan điểm khác nhau về việc giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Một số nước đi theo quan điểm tăng trưởng kinh tế trước, thực hiện công bằng xã hội sau; một số nước làm ngược lại. Thực tế cho thấy, cả hai xu hướng trên đều vấp phải những mâu thuẫn và những trở ngại lớn.
Do đó, việc giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội đã trở thành mối quan tâm lớn đối với việc hoạch định chính sách ở mỗi quốc gia. Giải quyết tốt mối quan hệ này thực sự là nghệ thuật của quản trị xã hội. Vấn đề này càng trở nên bức thiết đối với Việt Nam khi đất nước chúng ta vẫn là nước đang phát triển, nền kinh tế còn nhiều khó khăn lại chịu tác động của quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, nhất là khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành.
Việc gắn kết giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội chính là giải quyết mối quan hệ biện chứng giữa hai yếu tố đó để tìm ra những mức độ, liều lượng hợp lý trong thực tiễn. Xin nêu một số nhiệm vụ cơ bản và các giải pháp chủ yếu để gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội:
Một là, thống nhất và nâng cao nhận thức về việc thực hiện tốt nhiệm vụ gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Cụ thể là tiếp tục khẳng định sự cần thiết và tầm quan trọng của việc gắn kết tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội trong các nghị quyết của Đảng và các chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của phát triển xã hội bền vững và quản lý xã hội đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng, thực hiện các chính sách phù hợp đối với các giai tầng xã hội; quan tâm thích đáng đến các tầng lớp, bộ phận yếu thế; quản lý hiệu quả và giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội.
Nâng cao nhận thức về mối quan hệ giữa việc quản lý xã hội với tăng trưởng kinh tế, quán triệt trong tất cả các cấp, các ngành; đặc biệt là trong các cơ quan hoạch định và triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế, chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội.
Hai là, thực hiện mục tiêu kép hiện nay là trong khi tổng tiến công phòng chống đại dịch Covid-19 một cách hiệu quả đồng thời với phát triển kinh tế, cần đẩy mạnh việc xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện và cụ thể hóa các chính sách nhằm thực hiện công bằng, an sinh xã hội sát với thực tế và phù hợp với khả năng đáp ứng của nền kinh tế, đặc biệt là mức độ tăng trưởng kinh tế.
Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập; khắc phục những bất hợp lý về tiền lương, tiền công, trợ cấp xã hội. Bảo đảm tiền lương, thu nhập công bằng, đủ điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động. Chú trọng giải quyết việc làm cho lao động ở thành thị, lao động dôi dư ở khu vực nông nghiệp.
Tập trung triển khai kịp thời và có hiệu quả chương trình trợ cấp cho những đối tượng khó khăn trong điều kiện dịch bệnh đang diễn biến phức tạp; xóa đói giảm nghèo, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; huy động mọi nguồn lực xã hội cùng Nhà nước chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Khắc phục từng bước sự mất cân đối về phát triển đối với từng lĩnh vực, từng vùng; kịp thời giải quyết và xử lý các rủi ro, mâu thuẫn, xung đột xã hội. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giảm thiểu tai nạn giao thông.
Ba là, quan tâm xây dựng cơ chế chính sách và chủ thể thực thi chính sách đã ban hành nhằm bảo đảm thực hiện tốt các mục tiêu mà chính sách đã đề ra. Cụ thể hóa cơ chế thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội quy định rõ các cơ quan, đầu mối chịu trách nhiệm ở các cấp, các ngành và ở từng địa phương, đơn vị. Hoàn thiện bộ máy quản lý phát triển xã hội theo hướng tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, quản lý.
Sử dụng hiệu quả các nguồn ngân sách và viện trợ; giảm thiểu tối đa chi phí quản lý phát sinh từ các chương trình an sinh xã hội; đưa các dự án đến tận tay các đối tượng thụ hưởng. Tăng cường tham gia, giám sát của người dân trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình dự án an sinh và phúc lợi xã hội để giảm thiểu tình trạng thất thoát, lãng phí trong việc sử dụng các nguồn lực xã hội và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư các chương trình.
Bốn là, huy động mọi nguồn lực xã hội để thực hiện các mục tiêu tiến bộ, công bằng xã hội. Xác định rõ Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc xây dựng cơ chế và tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm thực thi luật pháp. Từng bước cải cách hệ thống an sinh và bảo trợ xã hội theo hướng xã hội hóa để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội. Phát triển mạnh khoa học và công nghệ làm động lực nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển nhanh, bền vững nền kinh tế.
Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ và giám sát của nhân dân trong quá trình phát triển, tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Các cấp lãnh đạo và quản lý phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý những vấn đề bức xúc do thực tiễn đặt ra trong khi thực hiện mỗi bước tăng trưởng kinh tế là mỗi bước tăng cường bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.