Tại sao Microsoft mua lại Activision?
(DNTO) - Microsoft đã cố gắng lập kỷ lục vào năm 2008, khi cựu CEO Steve Ballmer cố gắng theo đuổi kế hoạch mua lại Yahoo với giá 50 tỷ USD. Đó là thỏa thuận về công nghệ lớn nhất nước Mỹ thời đó, vượt qua thương vụ mua lại SDL của JDS Uniphase trị giá 41 tỷ USD vào năm 2000.
Tuy nhiên, rất may cho Microsoft, Yahoo đã liên tiếp từ chối lời chào của gã khổng lồ phần mềm. Sau đó thị phần tìm kiếm của Yahoo đã bị Google nuốt chửng và kết thúc bằng việc bán mình cho Verizon vào năm 2017 với giá 4,5 tỷ USD.
Nhưng, CEO hiện tại - Satya Nadella đang cố gắng tìm cách đưa Microsoft lập một kỷ lục mới.
Hôm qua, 18/1, Microsoft đã thông báo mua lại công ty trò chơi Activision Blizzard với giá 69 tỷ USD, con số đã vượt xa so với vụ mua lại có giá trị nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Vào năm 2016, Dell đã mua lại EMC với giá 67 tỷ USD, thỏa thuận JDS-SDL đến sau và tiếp theo đó là thương vụ IBM mua lại Red Hat với giá 34 tỷ USD vào năm 2019.
Tuy nhiên trong thương vụ này, Microsoft cần được sự thông qua của các cổ đông Activision, và quan trọng hơn nữa là từ giới chức quản lý. Hai siêu thương vụ trong ngành chất bán dẫn là Nvidia cố gắng mua lại Arm và AMD mua lại Xilinx đã cần 1 năm để giới chức thông qua.
Đối với vụ mua lại Activision, Microsoft đã chi gần gấp đôi so với mức cao nhất chi ra để mua lại công ty khác. Lần trả giá đắt giá nhất là vụ mua lại LinkIn vào năm 2016, Microsoft đã chi hơn 26 tỷ USD trong vụ này.
Tuy nhiên khác biệt với cựu CEO Ballmer, Nadella người lĩnh ấn CEO vào năm 2014, có nhiều tiền hơn để chi cũng như nhà đầu tư luôn mong muốn ông hành xử mạnh mẽ hơn.
Tại thời điểm công bố vụ mua lại LinkIn, Microsoft có giá trị khoảng 400 tỷ USD, do đó vụ mua lại này chiếm 6,5% giá trị vốn hóa thị trường của ông lớn phần mềm này. Vào thời điểm cố mua lại Yahoo, Microsoft có giá trị vốn hóa thị trường vào khoảng 260 tỷ USD, điều này có nghĩa Microsoft phải mất tới 20% giá trị vốn hóa để thâu tóm Yahoo.
Hiện tại, Microsoft có giá trị khoảng 2.300 tỷ USD, và chỉ cần chi khoảng 35% giá trị vốn hóa của mình trong thương vụ với Activision.
Thay vì dùng giá trị cổ phiếu ngày càng tăng của mình, Microsoft trả các nhà đầu tư của Activision bằng tiền mặt. Đây là con số rất lớn, tuy nhiên Microsoft vẫn có thể thừa sức chịu được. Tính đến ngày 30/9/2021, tập đoàn này đang ngồi trên 130 tỷ USD tiền mặt, với 85% trong số này là các vụ đầu tư ngắn hạn.
Giá mua của Microsoft sẽ bao gồm việc trả thêm 45% mức giá đóng cửa của cổ phiếu Activision ngày thứ Sáu tuần trước (14/1). Tuy nhiên các nhà đầu tư của Microsoft cảm thấy thoải mái về điều này. Giá cổ phiếu của Activision giảm 2,4% trong phiên giao dịch ngày 18/1, cùng xu hướng với các cổ phiếu công nghệ khác trên thị trường.
Nắm Activision Blizzard trong tay, đồng nghĩa với việc Microsoft sở hữu thêm một số lượng khổng lồ các tựa game bom tấn, là những series lớn như Call of Duty (Activision), World of WarCraft và Diablo (Blizzard) và Candy Crush (King). Bên cạnh đó là một loạt các studio phát triển game lớn nhỏ đang hoạt động dưới mái nhà Activision Blizzard.
Nhà đầu tư cảm thấy yên tâm do sự thành công đã được chứng nhận trước đó trong các thương vụ mua lại của Microsoft, bao gồm cả thương vụ LinkIn và GitHub. GitHub bị Microsoft mua lại vào năm 2018 với giá 7,5 tỷ USD. Tuy nhiên có nhiều sự hứng khởi hơn nhiều vào thời điểm hiện tại trong lĩnh vực game và khả năng tiềm tàng của Microsoft để mở rộng hoạt động của mình thông qua thiết bị chơi game Xbox và dịch vụ đăng ký hiện tại của hãng là Game Pass.
“Thương vụ hoàn toàn bằng tiền mặt này để mua lại Activision với giá 68,7 tỷ USD cho thấy, đây là vụ M&A lớn nhất trong lịch sử của Microsoft và mang đến giá trị chiến lược đầy hấp dẫn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, nơi Microsoft có danh mục nhỏ hơn”, theo nhà phân tích Piper Sandler. “Game và quảng cáo là hai lĩnh vực đem đến cơ hội trị giá 1.000 tỷ USD trong dài hạn cho Microsoft”, Piper nói thêm.
Microsoft mong muốn thỏa thuận này tăng cường sức mạnh của họ trong metaverse. Thương vụ mua lại giúp Microsoft giành được lợi thế trước đối thủ Sony trong cuộc chiến giành sự quan tâm của game thủ.
Vụ việc này cũng giúp gã khổng lồ phần mềm vượt lên trước những đối thủ mới mạnh mẽ trong lĩnh vực chơi game, như Amazon và Google.
Trong thương vụ này, Microsoft rất khôn khéo tránh môi trường đầy căng thẳng mà các ông lớn Big Tech đang phải đối mặt, tuy nhiên Microsoft lại đứng ngoài. Trong vài năm gần đây, Google, Apple, Facebook và Amazon đã chịu khá nhiều sức ép từ giới quản lý do lo ngại về mảng quảng cáo, thương mại và dữ liệu di động chỉ rơi vào một số ít bàn tay trên thị trường. Và trong khi các tập đoàn vốn hóa cực lớn bị hạn chế chỉ được M&A đối với các công ty nhỏ thì ngược lại Microsoft tiếp tục chơi lớn hơn.
“Nhìn từ góc độ quản lý, thương vụ này khác xa so với các vụ khác của nhóm Big Tech. Nadella đã chơi lớn trong lĩnh vực công nghệ tiêu dùng, trong khi số còn lại (Amazon, Apple, Facebook, Google), đang mắc kẹt với các nhà quản lý”, nhà phân tích Dan Ives thuộc Wedbush Securities nhận định.