Startup Việt bắt đầu có năng lực tiêu nhiều tiền hơn
(DNTO) - Hơn 200 quỹ đầu tư nội và ngoại đã có mặt tại thị trường Việt Nam, nhưng theo chuyên gia, vẫn chưa thể đáp ứng nguồn vốn cho startup khi quy mô của thị trường khởi nghiệp đang lớn dần.
Việt Nam biết cách marketing để hút vốn
Chia sẻ trong workshop “Xu hướng đầu tư tại Việt Nam và Thế giới 2022”, sáng 5/7, bà Đỗ Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc Phụ trách Văn phòng KPMG Hà Nội, kiêm Lãnh đạo Khối Cơ sở hạ tầng, Chính phủ và Y tế, KPMG Việt Nam cho biết, bối cảnh kinh tế thế giới hiện đang rất phức tạp, từ cuộc chiến Ukraine – Nga, việc Trung Quốc – nơi đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đang phong tỏa, hay nguy cơ lạm phát lan rộng toàn cầu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Tuy vậy, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì mức tăng trưởng khá tốt, 6,42%. Trong bối cảnh nhiều biến động và thách thức, đại diện KPMG cho biết Việt Nam rất thành công trong việc “marketing” và “tạo điểm sáng” .
Dự báo mới đây của WorldBank đều hạ tăng trưởng của các nền kinh tế, trong đó có cả Việt Nam, nhưng Việt Nam vẫn được dự báo có khả năng đạt mức tăng trưởng 5,8%. Đây cũng là mức tăng trưởng rất cao trong các nền kinh tế mới nổi. Vì vậy, đứng dưới tư cách nhà đầu tư, bà Hà cho biết họ luôn muốn tìm đến những thị trường có tiềm năng phát triển và nhiều hứa hẹn như Việt Nam.
“Trước đại dịch Covid-19, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gián tiếp tôn vị thế của Việt Nam khi làn sóng dịch chuyển đầu tư, tìm kiếm thị trường ngoài Trung Quốc lan rộng. Hồi đó, đội ngũ kết nối, tìm kiếm thị trường của KPMG làm việc liên tục, các đối tác nước ngoài tìm đến chúng tôi để tìm hiểu thị trường Việt Nam rất nhiều. Hiện chiến lược Zero Covid của Trung Quốc gây đứt gãy chuỗi cung ứng trong khi Việt Nam từng bước mở cửa thì đội ngũ này của chúng tôi còn làm việc nhiều hơn nữa”, bà Đỗ Thị Thu Hà cho hay.
Đồng tình với quan điểm Việt Nam là điểm sáng thu hút đầu tư, ông Bùi Thành Đô, CEO ThinkZone Ventures cho biết, khi thế giới có nhiều biến động, các quỹ đầu tư từ châu Âu, châu Mỹ bắt đầu tìm kiếm các thị trường mới. Vài năm gần đây, Đông Nam Á và Việt Nam trở thành điểm ngắm của các quỹ đầu tư quốc tế.
“Có rất nhiều quỹ đầu tư công nghệ lớn của thế giới tìm kiếm người đại diện ở Việt Nam, thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, gần đây cũng có quỹ rất lớn đưa luôn người sáng lập đứng đầu về Việt Nam, như Golden Gate Ventures. Hay có một quỹ mới thành lập 100% vốn của Hàn Quốc nhưng đặt tên tiếng Việt Con Trâu Ventures. Điều đó nói lên câu chuyện các nhà đầu tư rất quan tâm đến Việt Nam, ngay cả tên quỹ cũng đặt tên tiếng Việt. Thị trường Việt Nam trong 10 năm tới câu chuyện đầu tư mạo hiểm sẽ rất khác”, ông Đô cho hay.
Cần bơm lượng máu "khủng"
Hiện hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đã hình thành được 5-6 năm, số lượng startup lên tới 3.800, số lượng nhà đầu tư và quỹ đầu tư lên tới 217. Các deal (thương vụ) có vốn đầu tư lớn tăng dần.
Cụ thể, các deal trên 50 triệu USD tăng từ 3 thương vụ (2020) lên 5 thương vụ (2021), các deal có vốn từ 10 triệu USD – 50 triệu USD tăng từ 4 lên 12 thương vụ; các deal có vốn từ 3-10 triệu USD tăng từ 11 lên 24 thương vụ, các deal có vốn từ 0,5-3 triệu USD tăng từ 28 lên 73 thương vụ (Theo báo cáo Do Ventures, NIC, Cento Ventures).
Theo ông Trịnh Minh Giang, General Partner VMCG, Phó Chủ tịch VTI Group phân tích, startup Việt Nam hiện nay đã bước vào giai đoạn trưởng thành, đã tập trung xây dựng mô hình kinh doanh thay vì chỉ tập trung vào phát triển công nghệ, sản phẩm như trước đây. Vì vậy, đây là giai đoạn startup cần nguồn vốn đầu tư lớn hơn từ thị trường, vì vốn vẫn là mạch máu của startup.
“Startup Việt Nam đã bắt đầu năng lực để tiêu nhiều tiền hơn. Trước đây, năng lực quản trị của startup yếu kém, nếu đưa nhiều tiền vào tay để tiêu thì rất dễ chết. Ví dụ bạn mở nhà hàng, làm nhỏ thì dễ nhưng phát triển sang cái thứ 2 có thể thành cửa tử của cái thứ nhất. Nhưng bây giờ, quy mô thị trường khởi nghiệp tăng trưởng cần phải có tiền. Có rất nhiều quỹ hiện nay vào Việt Nam nhưng rất khó để nói chuyện với quỹ”, ông Giang cho hay.
Cũng theo ông Trịnh Minh Giang, Việt Nam nên tính đến kênh huy động nguồn vốn xã hội dành cho startup. Bởi ở nước ngoài, có hàng trăm ngàn nhà đầu tư cá nhân tham gia vào giai đoạn sớm, trước giai đoạn các quỹ đầu tư vào startup, mà rất nhiều startup đã có thể trở thành kỳ lân.
“Việt Nam cần có mạng lưới nhà đầu tư cá nhân đó. Hiện có rất nhiều kênh đầu tư chứng khoán, bất động sản, vàng, thậm chí coin. Tôi vào tiệm cắt tóc, hầu hết khách vào đó đầu tư coin, nhưng khi hỏi về công ty họ đã đầu tư thì họ không hề biết, đó là đầu tư mù quáng. Vì vậy nguồn vốn cá nhân trong xã hội lớn nhưng chưa được định hướng”, ông Trịnh Minh Giang đặt vấn đề.