Sớm gỡ ùn tắc ở các chốt cho xe 'luồng xanh' qua Hà Nội nhanh nhất
(DNTO) - Cần sớm mở thêm các chốt kiểm soát để thông "luồng xanh", tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải đi qua Hà Nội nhanh nhất.
Lái xe mệt mỏi “chôn chân” 12 tiếng để qua Hà Nội
Những ngày qua, có nhiều phương tiện bị dồn ứ có lúc dài tới 3-5km tại các chốt cửa ngõ trọng điểm ra vào TP Hà Nội như tại đầu trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ (hướng Hà Nam lên Hà Nội); tại đầu cầu Phù Đổng trên Quốc lộ 1 (hướng Bắc Ninh vào Hà Nội) và một số chốt khác.
Đặc biệt, tình trạng ùn tắc kéo dài trong ngày 25/7 tại chốt kiểm dịch khu vực cầu Phù Đổng, Hà Nội. Hàng dài ô tô (chủ yếu là phương tiện vận tải hàng hóa) ken kín, nối đuôi nhau kéo dài khoảng 3 - 4km.
Cứ sau khoảng 10 - 15 phút các xe phía trên hoàn thành việc khai báo hoặc quay đầu, tài xế các xe ở dưới lại nhấn ga nhích từng mét mệt mỏi.
Theo nhiều lái xe cho biết, tình trạng này diễn ra từ trưa 24/7. Đáng nói, “lạc” vào đoàn phương tiện ùn tắc, có không ít phương tiện có thẻ nhận diện ưu tiên di chuyển trên “luồng xanh” nhưng cũng đành “chôn chân” trong dòng xe ùn tắc này.
Anh Hoàng, lái xe container chở hàng từ Bắc Ninh đi các tỉnh phía Nam cho biết, từ lúc qua trạm thu phí cầu Phù Đổng đến khi chiếc xe anh điều khiển qua được chốt kiểm dịch mất 12 tiếng.
“Tôi lấy hàng xong, đánh xe ra khỏi nhà máy từ 12h đêm hôm trước, tắc ở đây đến 12h trưa ngày hôm sau mới thoát ra được. Chỉ mong cơ quan chức năng cần sớm có giải pháp tạo luồng di chuyển thông thoáng cho các xe chở hàng thiết yếu, chấp hành đầy đủ các quy định”, lái xe Hoàng nói.
Tại chốt kiểm dịch BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ những ngày này tình trạng cũng không có gì thông thoáng hơn, dòng xe ô tô vẫn phải nối đuôi nhau vào làm thủ tục. Tại một số thời điểm khi CSGT hoặc TTGT giải thích các vấn đề liên quan đối với phương tiện không đủ điều kiện lưu thông tiếp. Tuy nhiên tình trạng có phần “dễ thở” hơn tại chốt cầu Phù Đổng.
Theo ông Trần Đức Nghĩa, Uỷ viên BCH Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam ước tính: Từ ngày 18 đến 20/7, tại 3 cửa ngõ vào Hải Phòng bị ách tắc nghiêm trọng bởi áp dụng dán tem cho các phương tiện và xét nghiệm lái xe. Điều này đã gây thiệt hại ít nhất 100 tỷ đồng/ngày cho các doanh nghiệp vận tải.
Ông Nghĩa cũng đưa ra nhận xét về sự khác biệt giữa TP.HCM và Hà Nội. Cụ thể như, trong khi quốc lộ 1A qua địa bàn TP.HCM không bị đóng cửa khi áp dụng Chỉ thị 16 thì tại Hà Nội đã nhất quán quan điểm đóng cửa quốc lộ 1A để phong toả địa bàn.
"Tôi cho rằng trong trường hợp này chúng ta hoàn toàn có lựa chọn khác để đảm bảo quá trình lưu thông hàng hoá trên quốc lộ khi đi qua đị phận của mình", ông Nghĩa chia sẻ.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng nêu vấn đề khác biệt trong quy định phòng chống dịch bệnh còn liên quan tới thời hạn và cách thức test với lái xe. Đặc biệt, khi ban hành quy định, hầu hết các địa phương có xu hướng áp dụng rất nhanh gây lúng túng cho doanh nghiệp.
Hà Nội có lúng túng?
Ông Đào Việt Long, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội thừa nhận, trong ngày đầu tiên áp dụng theo Chỉ thị 17 của TP, ở các chốt kiểm soát có xảy ra ùn tắc. Tuy nhiên, trong ngày 25-26/7, tình trạng này đã giảm. Một số chốt còn ùn ứ nhưng không kéo dài như trước.
Nguyên nhân ùn tắc theo ông Long là do số lượng lớn phương tiện từ các tỉnh vào hoặc đi qua TP chưa kê khai cấp thẻ nhận diện ưu tiên về “luồng xanh” buộc phải quay đầu ở nơi xuất phát; lái xe chưa nắm được tinh thần Chỉ thị số 17 của TP nên đến chốt kiểm soát buộc phải quay đầu.
Cùng đó, hiện một số chốt không có vị trí thuận lợi để phương tiện quay đầu xe dẫn tới giao thông khó khăn. Một số phương tiện không đủ điều kiện để vào TP theo quy định nhưng khi quay lại tỉnh, một số chốt trực không cho xe vào do về từ Hà Nội như ví trí chốt 21 ở Mê Linh nối với QL2.
“Để giải quyết tình trạng này, Thanh tra Sở GTVT phối hợp với CSGT được giao nhiệm vụ chủ trì trực chốt tuyên truyền nhắc nhở cho các phương tiện quay đầu xe, di chuyển các chốt trực đến vị trí có điểm quay đầu xe để thuận tiện cho các phương tiện”, ông Long nói.
Ông Long thông tin thêm, Công an TP đã tăng cường thêm CSGT, Cảnh sát Cơ động để kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, Hà Nội cũng đề nghị Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp chỉ đạo với cơ quan quản lý đường bộ để mở luồng cho xe quay đầu một số chốt thuận lợi hơn.
“Chúng tôi cũng bố trí lực lượng thành 2 lớp kiểm tra, phân luồng hướng dẫn phương tiện từ xa hạn chế việc ùn tắc giao thông tại các vị trí có lượng phương tiện lớn. Chốt ở Pháp Vân - Cầu Giẽ thực hiện rất hiệu quả. Ví dụ với lớp 1 tiến hành kiểm tra sàng lọc trước, chỉ cho qua các xe “luồng xanh”, xe công vụ, chở hàng thiết yếu. Các xe khác cho quay đầu luôn hướng từ Hà Nam về Hà Nội. Lớp thứ 2 các xe có thẻ nhận diện “luồng xanh” cho đi luôn. Đối với xe chở hàng thiết yếu, xe container quá cảnh yêu cầu phải có giấy xét nghiệm âm tính còn thời hạn, lái xe phải kê khai y tế và đo thân nhiệt”, ông Long cho hay.
Thông tin về quá trình đăng ký thẻ “luồng xanh”, ông Long cho biết, hiện có 2 thẻ nhận diện, một là “luồng xanh” nội tỉnh, hai là “luồng xanh” của TP kết nối với “luồng xanh” quốc gia và các tỉnh lân cận.
Xe có thẻ nhận diện trên luồng ưu tiên cho đi ngay
Ngày 26/7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã thị sát tại các điểm chốt của Hà Nội ở cầu Phù Đổng và tại chốt Pháp Vân. Tại đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị mở thêm các chốt kiểm soát để thông "luồng xanh", tạo thuận lợi cho các phương tiện vận tải đi qua Hà Nội nhanh nhất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu phải tạo thuận lợi lưu thông phương tiện, hàng hóa, không để xảy ra "đứt gãy" sản xuất, lưu thông giữa thủ đô với các địa phương trong thời gian Hà Nội giãn cách để phòng chống dịch Covid-19.
Tại đây, ông Chu Ngọc Anh đã cùng thảo luận với lãnh đạo Sở Giao thông và Vận tải, Công an TP về các phương án đảm bảo thuận lợi nhất cho các xe "luồng xanh" lưu thông. Ông Chu Ngọc Anh thống nhất phương án kiểm soát chặt các lối lên xuống từ đường Vành đai 3 vào Thành phố để mở thông luồng qua đoạn tuyến Vành đai 3. Phương án được ông Chu Ngọc Anh đưa ra là để xe "luồng xanh" quá cảnh đi qua Thành phố trên đường Vành đai 3, chỉ cần kiểm soát chặt lối lên xuống vào Thành phố là bảo đảm thông suốt. Công an Thành phố, Sở Giao thông Vận tải cần tính toán khẩn trương phương án từ lập chốt, nhân lực để tránh dàn trải gây lãng phí, tăng khối lượng công việc lực lượng tuyến đầu nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Trực tiếp thị sát công tác kiểm soát phương tiện của lực lượng chức năng tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam nhận định, với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, tình trạng ùn tắc tại khu vực đã được khắc phục.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát phương tiện vận tải vẫn còn bất cập như: Một số xe đã dán thẻ nhưng lực lượng công an vẫn dừng hỏi khiến thời gian bị kéo dài.
Ông Huyện đề nghị Cục CSGT chỉ đạo Công an TP Hà Nội với những xe đã có thẻ nhận diện đi trên luồng ưu tiên cần cho đi ngay, không cần kiểm tra và xác minh những thông tin bên lề. Bởi việc cấp thẻ ưu tiên này các doanh nghiệp đã cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình đăng ký và Sở GTVT các địa phương đã thực hiện hậu kiểm chéo lộ trình đi/đến của phương tiện.
Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương đăng ký thẻ nhận diện phương tiện trên “luồng xanh”, lấy mã QR Code dán trước kính xe và gửi qua các ứng dụng online kịp thời cho lái xe để lực lượng kiểm tra nhận diện và cho xe thông qua sớm nhất có thể.
Đặc biệt, chiều tối qua (25/7) Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký ban hành văn bản hỏa tốc chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân vùng có dịch COVID-19.
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành chỉ đạo, không thực hiện kiểm tra đối với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân (đã được dán giấy nhận diện có mã QR Code của ngành GTVT) trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.