Sở hữu hơn 18,5 tỷ VNĐ với bộ sản phẩm NFT 'bò tót' độc đáo
(DNTO) - Cam Rackam, 42 tuổi sống tại Mỹ. Anh đã bán được 10.000 bức ảnh con bò tót dưới dạng NFT trong 32 phút, thu về cho bản thân khối tài sản hơn 700.000 USD (tương đương hơn 18,5 tỷ đồng).
Các buổi triển lãm bị hủy bỏ, doanh thu giảm và hoa hồng cạn kiệt dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh hưởng lớn đến công việc cũng như là thu nhập của chàng họa sĩ Cam Rackam, 42 tuổi sống tại California (Mỹ).
Điều đó thúc đẩy Rackam tìm hướng đi mới và chuyển sang nghệ thuật số. Khoản tiền lớn nhất mà Rackam kiếm được từ một tác phẩm bình thường là 11.000 USD vào năm 2015. Tuy nhiên, con số trên đã tăng đáng kể khi nghệ sĩ 42 tuổi bán tranh dưới dạng NFT (token không thể thay thế).
Sau khi nghĩ ra “ý tưởng điên rồ”, Rackam liên hệ trang Wall Street Memes với hơn 100.000 lượt theo dõi trên Instagram, đề nghị hợp tác cho bộ sưu tập NFT sắp ra mắt. Sau khi được đồng ý, Rackam đã vẽ hàng nghìn bức ảnh hoạt hình của Charging Bull, tượng bò tót nổi tiếng tại Phố Wall, New York.
Nhờ Wall Street Memes quảng bá trên Instagram và Discord, toàn bộ 10.000 tác phẩm trong bộ sưu tập NFT của Rackam đã bán hết chỉ sau 32 phút. “Trong 5 phút đầu tiên, khoảng 2.250 bức ảnh được bán. Đến phút thứ 8 - 9, tôi nhìn thấy hơn một nửa đã có chủ sở hữu”, Rackam chia sẻ.
Theo CNBC, bộ sưu tập NFT của anh trị giá 660 ETH (Ethereum), tương đương 2,6 triệu USD tại thời điểm bán (đến hiện nay, số tiền trên khoảng 1,7 triệu USD). Số tiền cuối cùng mà Rackam nhận sau khi bán hết bộ sưu tập là 738.593,97 USD (tương đương gần 18,5 tỷ đồng).
Thị trường NFT tạo ra hàng loạt tỷ phú trẻ
Cơn sốt tài sản số NFT giúp hai nhà đồng sáng lập công ty khởi nghiệp blockchain OpenSea - Devin Finzer và Alex Atallah - sở hữu mỗi người 2,2 tỷ USD. OpenSea cung cấp một nền tảng ngang hàng (P2P) mà ở đó, người dùng có thể sáng tạo, mua bán tất cả các tài sản NFT và mất khoản phí 2,5% cho mỗi giao dịch trên nền tảng này.
OpenSea đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các đối thủ, bao gồm sàn giao dịch tiền điện tử khổng lồ Coinbase. Tháng 10 năm ngoái, Coinbase thông báo kế hoạch ra mắt sàn giao dịch NFT của mình. Giới phê bình cũng cảnh báo khả năng gian lận và lừa đảo trong thế giới NFT.
Tháng 9/2021, Finzer yêu cầu người đứng đầu bộ phận sản phẩm của OpenSea từ chức sau khi phát hiện hành vi vi phạm. Đầu tháng 1/2022, một phòng trưng bày nghệ thuật ở New York cho biết một tác phẩm NFT trị giá 2,2 triệu USD đã bị đánh cắp và được niêm yết trên OpenSea.
Bên cạnh bề nổi và những lợi ích thị trường NFT mang lại, những rủi ro vi bị đánh cắp, mất tài sản hay tiềm ẩn rủi ro vi phạm pháp luật cũng bị phanh phui khá nhiều trong thời gian gần đây. Thế nhưng, có lẽ bất kỳ lĩnh vực và thị trường nào cũng sẽ có 2 mặt, được và mất đan xen nhau. Hiện tại, tiềm năng của thị trường bộ sản phẩm NFT là vô cùng lớn, thu hút sự tham gia của những ông lớn như Twitter, Meta, Instagram..., gia nhập ngành.
Theo dữ liệu từ DappRadar, thị trường NFT năm 2021 đạt giá trị 23 tỷ USD, và nếu OpenSea có thể thoát khỏi vũng nước đục hiện nay, tiềm năng phát triển của công ty sẽ vẫn còn rất lớn.
"Tầm nhìn của chúng tôi là trở thành điểm đến cho các nền kinh tế kỹ thuật số phát triển mạnh mẽ", CEO Devin Finzer, nói.