Shark Vương: Nhiều doanh nghiệp vượt qua ‘khủng hoảng’ Covid-19 nhờ chuyển đổi số
(DNTO) - Ông Trần Anh Vương - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa nhà máy từ 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Và cũng nhờ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khủng hoảng.
Chia sẻ trong hội thảo trực tuyến “Đổi mới sau khủng hoảng – Cơ hội bứt phá cho doanh nghiệp vừa và nhỏ”, do VNPT tổ chức sáng 15/10, ông Trần Anh Vương – Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cho biết, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến rất nhiều doanh nghiệp đã phải đóng cửa nhà máy hoàn toàn từ 2 đến 3 tháng do không thể thực hiện 3 tại chỗ. Chưa kể, có những doanh nghiệp không còn tính đến chuyện tăng trưởng kinh tế mà ưu tiên hàng đầu là bảo toàn lực lượng.
Thế nhưng, đại dịch cũng là thời điểm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ hơn. Và cũng nhờ chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp vượt qua khủng hoảng.
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch Alpha books cho biết, không hoàn toàn 100% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều tổn thất sau đại dịch, bởi theo quan sát của vị này, rất nhiều doanh nghiệp đã tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng đến vài trăm % trong đại dịch. “Tất nhiên, đó là những doanh nghiệp đã sẵn sàng với chuyển đổi số, đã tiếp cận nền tảng công nghệ số và đã phát huy được những thế mạnh của công nghệ này”, ông Bình nói.
Nhận định này đã được chứng minh qua thực tế ở một số đơn vị như Công ty cổ phần Tổng Công ty may Bắc Giang (BGG). Cụ thể, trong đại dịch, công ty vẫn tiếp tục duy trì hoạt động nội bộ, tìm kiếm đối tác mới thông qua các công cụ online. Đồng thời, doanh nghiệp không ngại chi hàng chục tỷ đồng để mua sắm máy móc, công nghệ hiện đại. Nhờ vậy, 8 tháng đầu năm 2021, doanh nghiệp này xuất khẩu hơn 2,5 triệu sản phẩm quần áo sang thị trường nước Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… , vượt kế hoạch xuất khẩu hơn 3 triệu sản phẩm/năm.
Hay như Công ty cổ phần Trí Việt Bắc Giang, để đối phó với việc phải đóng cửa hệ thống cửa hàng kinh doanh do dịch Covid- 19, đơn vị này ngay lập tức tuyển mới đội ngũ nhân viên công nghệ thông tin để xây dựng các kênh bán hàng online, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Chỉ sau 1 tháng thực hiện, doanh thu của công ty tương đương với thời điểm trước dịch, thậm chí còn tìm kiếm được nhiều khách hàng mới.
Một khảo sát của Ngân hàng Thế giới cho thấy, tính đến tháng 10/2020, đã có 59% doanh nghiệp Việt Nam chuyển sang nền tảng số. Cũng trong năm ngoái, có khoảng 13.000 doanh nghiệp công nghệ số ra đời, tăng 28% so với năm 2019.
Nói về nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp, ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, ngay từ trước khi đợt dịch Covid-19 thứ 4 diễn ra, đơn vị này nhận được rất nhiều thông tin từ cộng đồng doanh nghiệp mong muốn online hóa toàn bộ các quy trình quản trị và vận hành doanh nghiệp nhưng hầu hết chưa biết chuyển đổi số phải bắt đầu từ đâu, làm như thế nào và chọn đơn vị nào tư vấn.
Nhận thấy chuyển đổi số là nhu cầu cấp thiết của các doanh nghiệp để vực dậy sau đại dịch, bản thân đơn vị cung cấp giải pháp như VNPT cho biết, họ cũng phải thay đổi mô hình hoạt động của mình để phù hợp với tình hình mới.
“Ví dụ như trước đây, VNPT chỉ cung cấp giải pháp riêng lẻ, cho từng doanh nghiệp cụ thể, thì nay sẽ cùng doanh nghiệp thay đổi tư duy, chuyển đổi số như thế nào cho phù hợp nhất với từng doanh nghiệp, từ đó tìm ra một công cụ quản lý phù hợp nhất để đạt hiệu quả tối ưu”, ông Nghĩa cho hay.
Cũng theo vị lãnh đạo của VNPT, khi người dân đã quen với giao dịch trực tuyến thì các doanh nghiệp buộc phải tìm cách thay đổi để duy trì mối liên hệ thông suốt, hài hòa giữa doanh nghiệp, người lao động và khách hàng.
“Việc đầu tiên phải thay đổi là tư duy của người lãnh đạo, vì thay đổi tư duy sẽ dẫn đến sự thay đổi đáng kể trong hành vi, trong việc ra quyết định, trong các giao tiếp với nhân viên, với các doanh nghiệp khác cũng như với khách hàng. Từ đó họ sẽ biết cần phải làm gì, làm như thế nào, vận dụng công nghệ số ra sao”, ông Nghĩa nhấn mạnh và cho biết thêm rằng, doanh nghiệp có thể lựa chọn áp dụng các giải pháp chuyển đổi số được cung cấp miễn phí từ Chính phủ và các Hiệp hội, tập đoàn… để tiết kiệm chi phí.