Sắp ‘khai tử’ các dòng điện thoại 2G, 3G
(DNTO) - Theo nội dung Thông tư 43 về “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - phần truy cập vô tuyến”, điện thoại 2G, 3G không được sản xuất, nhập khẩu vào Việt Nam từ 1/7.
Sẽ tắt sóng 2G vào năm 2022 để mở đường cho 5G
Động thái này được xem là một bước chuẩn bị cho lộ trình tắt sóng 2G dự kiến vào quý 1/2022, cũng như chủ trương "phủ sóng" smartphone trên toàn quốc. Đây cũng là nền tảng để các nhà mạng xem xét phương án dừng công nghệ di động thế hệ cũ, góp phần thực hiện mục tiêu kép đã đề ra trong "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
Tại Diễn đàn cấp cao về Công nghiệp 4.0, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu tắt sóng 2G tại Việt Nam vào năm 2022 nhằm tiết kiệm tài nguyên quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số. Dự kiến công nghệ này được các nhà mạng ngừng hỗ trợ khi số lượng thuê bao 2G giảm còn dưới 5%.Việc tắt sóng 2G không chỉ giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí vận hành cho các nhà mạng mà còn giúp thúc đẩy quá trình chuyển đối số.
Hiện nay trên thế giới, nhiều quốc gia phát triển và đi đầu trong lĩnh vực viễn thông đều đã tắt sóng 2G từ lâu. Một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Myanmar, Singapore, Malaysia cũng đã hoặc đang trong tiến trình loại bỏ sóng 2G.
Báo cáo của Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, lộ trình cho việc dừng công nghệ cũ được đặt ra từ năm 2018 và Bộ TT&TT đang thúc đẩy công nghệ mới 5G, vì vậy các doanh nghiệp viễn thông không thể duy trì cùng lúc 4 công nghệ (2G, 3G, 4G và 5G) trên cùng một mạng.
Trong khi đó, mạng 5G đã được các nhà mạng lớn tại Việt Nam phát sóng thương mại ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Hiện các công ty sản xuất điện thoại di động cũng đang chạy đua sản xuất điện thoại 5G vì số lượng thiết bị hỗ trợ mạng thế hệ mới này vẫn còn hạn chế.
Điện thoại “cục gạch” sẽ trở thành cục gạch đúng nghĩa
Mục tiêu trên đồng nghĩa những mẫu điện thoại chỉ hỗ trợ 2G, 3G sẽ không được phép sản xuất, nhập khẩu và lưu thông tại Việt Nam, có hiệu lực tháng 7/2021.
Theo Cục Viễn thông, việc ban hành chính sách yêu cầu các thiết bị đầu cuối di động được sản xuất, lưu thông trên thị trường Việt Nam phải hỗ trợ các công nghệ mới 4G, 5G sẽ thúc đẩy chuyển đổi thiết bị đầu cuối lên công nghệ mới, hạn chế dần các thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ công nghệ cũ hoạt động trên mạng di động.
Khi sóng 2G bị tắt, đa số những chiếc điện thoại cơ bản (điện thoại “cục gạch”) sẽ ngưng hoạt động, không thể thực hiện các tác vụ cơ bản như nghe, gọi, nhắn tin. Đối tượng người dùng bị ảnh hưởng là những người có thu nhập thấp không đủ khả năng mua smartphone, học sinh và người già không thể và không có khả năng dùng smartphone.
Tuy nhiên, những đối tượng này cũng có nhiều sự lựa chọn khác như smartphone giá rẻ chạy Android, hỗ trợ kết nối 3G/4G giá chỉ từ 1 - 2 triệu đồng. Các nhà sản xuất cũng đã tung ra nhiều mẫu điện thoại cơ bản hỗ trợ tốt 3G, thậm chí là 4G để phù hợp với thời thế.
Ngành viễn thông cũng đang thực hiện thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất các dòng điện thoại 4G, 5G giá rẻ tại Việt Nam. Các smartphone này có giá chỉ 500.000 - 600.000 đồng, kèm theo các gói cước hỗ trợ người sử dụng chuyển đổi được cung cấp cho nhiều khách hàng có thu nhập thấp tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo số liệu của Cục Viễn thông, tính đến tháng 9, khoảng 88 triệu thuê bao đang sử dụng smartphone, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Số lượng thuê bao sử dụng thiết bị hỗ trợ 4G đạt hơn 83 triệu, trong khi thuê bao sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ công nghệ 2G hiện còn 24,67 triệu thuê bao, giảm hơn 6 triệu thuê bao so với cùng kỳ 2019.