Sắp có trung tâm chiếu xạ tại miền Bắc để rút ngắn 'đường đi' của trái cây Việt sang Mỹ

(DNTO) - Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các cuộc đàm phán với phía Hoa Kỳ để lập trung tâm chiếu xạ ở phía Bắc. Việc này sẽ góp phần phát triển quả vải của Bắc Giang và các nông sản khác để giảm chi phí, giá thành, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Vải thiều của Bắc Giang, trước khi xuất khẩu phải chuyển ngược vào TPHCM để chiếu xạ làm tăng chi phí, thời gian. Ảnh: TL.
Chất vấn Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt tại phiên ngày 7/6, đại biểu Nguyễn Văn Thi (đoàn Bắc Giang) nêu yêu cầu chiếu xạ là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường một số nước, trong đó có Mỹ.
“Trong những năm qua, tại miền Bắc vẫn chưa có cơ sở chiếu xạ nào được công nhận, nên quả vải của tỉnh Bắc Giang luôn phải đưa vào Tp.HCM để chiếu xạ làm cho chi phí thời gian và giá thành đội lên. Điều này đã góp phần làm tăng chi phí, giảm sức cạnh tranh của trái vải Việt Nam trước các đối thủ là Ecuador, Mexico, các thị trường Nam, Trung Mỹ.
Đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp cho việc chiếu xạ quả vải cũng như nhiều loại quả khác ở khu vực phía Bắc để đáp ứng yêu cầu kỹ thuật khi xuất khẩu vào thị trường một số nước trong thời gian tới?”, ông Thi hỏi.
Trả lời, Bộ trưởng nói trong chuyến tháp tùng Thủ tướng sang Hoa Kỳ vừa qua, ông nhận thấy phía bạn yêu cầu nghiêm ngặt về quy trình chiếu xạ với quả vải. Hoa Kỳ đề nghị phải có chuyên gia sang Việt Nam giám sát quá trình chiếu xạ. Trang thiết bị, điều kiện xử lý cũng cần tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Hiện Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương đàm phán với phía Hoa Kỳ, bước đầu đạt một số kết quả để tiến tới thành lập trung tâm chiếu xạ đạt đủ tiêu chuẩn tại miền Bắc.
"Các bước đàm phán đang ở khâu cuối. Từ nay đến cuối năm, chúng ta có thể chiếu xạ quả vải theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ để xuất khẩu sang nước bạn", Bộ trưởng Đạt cho hay và kỳ vọng với việc trung tâm đi vào hoạt động thì không chỉ vải mà các trái cây tươi khác như nhãn, bưởi, xoài... cũng được thực hiện chiếu xạ và xuất khẩu sang Mỹ.
Bên cạnh đó, trước ý kiến đại biểu cho rằng việc triển khai đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa còn chậm, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, chưa có cơ sở dữ liệu để truy xuất nguồn gốc…Bộ trưởng Bộ KH&CN cho biết Bộ đã xây dựng thông tư quy định quản lý về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, quy định ghi nhãn một số nội dung bắt buộc bằng phương thức điện tử để hỗ trợ hoạt động truy xuất nguồn gốc...
"Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành thông tư về cơ chế tài chính để triển khai đề án này, vận hành chính thức Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa", ông Đạt nói.
Trả lời chất vấn đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (đoàn Long An) về việc “còn nhiều hạn chế” trong giải pháp ứng dụng công nghệ cao rộng vào sản xuất nông nghiệp, ông Đạt nêu rõ, rất nhiều doanh nghiệp đã tham gia các chương trình này, ứng dụng nhiều công nghệ cao trong việc phục vụ phát triển nông nghiệp như: Tập đoàn Lộc Trời sản xuất gạo, Tập đoàn TH true Milk sản xuất sữa, DABACO về chăn nuôi…Ngoài ra, hiện có 290 doanh nghiệp đang ứng dụng công nghệ, 690 vùng sản xuất với 70% đạt tiêu chí vùng ứng dụng công nghệ cao và gần 2.000 hợp tác xã đã chuyển đổi công nghệ.
"Kim ngạch nông, lâm, thủy sản đạt 52 tỷ USD, đây là thành tựu chung của ngành nông nghiệp có phần đóng góp của khoa học công nghệ", Bộ trưởng Đạt nói.
Tuy nhiên, ông Đạt cho hay ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp còn nhiều rào cản do cần nhiều nguồn vốn. Bởi đây là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng còn thiếu công cụ phòng ngừa như bảo hiểm nông nghiệp và quỹ đầu tư mạo hiểm.
Thời gian tới, Bộ đề nghị tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, các địa phương cần có trách nhiệm bảo đảm phát triển đúng mục tiêu hỗ trợ khoa học, công nghệ. Đồng thời, Bộ sẵn sàng triển khai nhiệm vụ chương trình cấp quốc gia phát triển công nghệ cao.