Dồn 'tổng lực' để tiêu thụ quả vải
(DNTO) - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết trong chiều nay, 31/5, ông sẽ cùng các hệ thống phân phối lên Bắc Giang để giúp bà con kết nối tiêu thụ vải thiều: "Chúng ta phải tổng lực ra quân để tiêu thụ nông sản, vì tình hình cấp bách, bà con đang rất nóng ruột".
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để "thúc" tiêu thụ quả vải
Theo số liệu từ Sở Công thương Bắc Giang, hiện cây vải thiều của tỉnh đang bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng 180 nghìn tấn, thời gian bắt đầu thu hoạch từ 20/5 đến 20/7. Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang rất phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ loại trái cây đặc sản này.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan cho biết trong chiều nay, 31/5, ông sẽ cùng các hệ thống phân phối lên Bắc Giang để giúp bà con kết nối tiêu thụ vải thiều.
"Tình hình cấp bách, bà con rất nóng ruột. Tôi cho rằng đây là lúc tổng lực ra quân. Bộ NN&PTNT phải có lời giải mang tính chất dài hạn, bền vững hơn là chúng ta cứ đợi đến khi dư thừa rồi mới ra quân thì đã muộn, lúc đó giá trị nông sản đã xuống rồi. Chiều nay, tôi có mời các hệ thống phân phối cùng lên Bắc Giang để họ giúp bà con kết nối tiêu thụ vải thiều" - bộ trưởng cho biết.
Ông Hoan chia sẻ thêm, ngày mai, một số thứ trưởng của Bộ NN&PTNT sẽ trực tiếp tới những cửa khẩu phía Bắc để cùng làm việc với các cơ quan đối tác ở các địa điểm này, đồng thời trao đổi với các cơ quan thương mại phía Trung Quốc để quả vải thiều được thông quan thuận lợi hơn. Còn ông sẽ cùng họp với các hệ thống phân phối trong nước để làm sao quả vải ít gặp rủi ro nhất.
"Muốn tiêu thụ quả vải tốt, chúng ta cần thống kê tương đối chính xác lượng vải sắp thu hoạch, ước tính được sản lượng vải tiêu thụ ở thị trường Trung Quốc và nước ngoài. Từ đó có giải pháp cân đối tiêu thụ vải ở thị trường trong nước" - bộ trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam thực hiện một chương trình để kết nối được cung - cầu nông sản.
"Bắc Giang mới vào đầu vụ, chưa phải chính vụ. Tuy nhiên, cần thống kê số lượng vải và ước lượng được cung cầu thị trường trong nước và Trung Quốc là bao nhiêu. Lúc đó sẽ cân đối lại các hệ thống phân phối. Hôm nay, tôi có mời 9 hệ thống phân phối bán lẻ trong nước lên Bắc Giang. Chính hệ thống phân phối này sẽ kết nối cho bà con" - bộ trưởng cho biết.
Đầu tháng 6 này, Bộ NN&PTNT sẽ cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ra mắt các điểm chuẩn hoá mô hình hỗ trợ tiêu thụ nông sản trong mùa dịch. Từ mô hình đó, kêu gọi xã hội áp dụng để hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Bởi dịch bệnh còn diễn biến khó lường, chính chúng ta cũng phải là người bảo vệ mình trong phòng, chống dịch bệnh.
"Không ai tưởng tượng được, nhiều khi chen chúc mua nông sản giải cứu như thế lại tạo ra nguồn lây. Chúng ta hãy giúp cho mình an toàn trước để tiếp tục giúp cho bà con tiêu thụ nông sản. Chúng tôi đã lựa chọn được các điểm ở Hà Nội, TP.HCM và những địa phương để thực hiện tiêu thụ quả vải" - ông Hoan nhận định.
Ngoài ra, bộ trưởng cho hay đã kiến nghị Chính phủ có chương trình hỗ trợ ở mức cao hơn nữa cho những đơn vị vận tải nông sản trong nước. Còn trong dài hạn, sẽ thiết lập kênh thông tin hai chiều, không đợi đến khi sản phẩm thu hoạch rồi mới cùng nông dân tiêu thụ; trước vụ thu hoạch từ 15-20 ngày, sở NN&PTNT ở các địa phương cần chủ động thông tin về Bộ NN&PTNT để bộ chủ động thông tin vào các hệ thống phân phối. Không để tình trạng lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây rồi mới giải cứu vì đó là nền nông nghiệp không ổn định.
"Đừng để lúa tràn đồng, xoài chín đầy cây, chúng ta mới truyền thông, mới đi kêu giải cứu. Như thế nền nông nghiệp sẽ không ổn định" - bộ trưởng nói.
Cần chủ động thông tin để xây dựng kịch bản tiêu thụ nông sản
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngành nông nghiệp có những lúc phải kêu gọi "giải cứu" nông sản. Nhưng có lẽ chúng ta nên bỏ từ “giải cứu”, vì sẽ tạo ra tâm lý thương cảm, thương xót. Chúng ta cần hành động cụ thể hơn. Ông Hoan cho rằng để làm được điều đó, chúng ta phải có thông tin từ sản xuất tới tiêu thụ.
"Như tôi đã nói, không phải khi nông sản chín rộ và dư thừa thì chúng ta mới ra quân, khi đó đã trễ rồi. Mỗi sở NN&PTNT phải xác định được trách nhiệm của mình, không chỉ giúp bà con tiêu thụ nông sản mà chúng ta cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Bởi tư duy kinh tế là tư duy thị trường, nếu không nắm được thông tin thị trường trong nước và nước ngoài, chúng ta sẽ bị động trong tiêu thụ nông sản" - bộ trưởng nhận định.
Cũng theo Bộ trưởng Hoan, để làm được điều đó, chúng ta đã và đang thực hiện chuyển đổi số để nắm bắt được thông tin thị trường, giữa hợp tác xã với các đơn vị phân phối.
Cụ thể, Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng kho dữ liệu và cập nhật thường xuyên cho các hệ thống phân phối biết tỉnh nào đang chuẩn bị thu hoạch nông sản gì, sản lượng bao nhiêu. Các hệ thống phân phối chủ động chuẩn bị phương tiện vận chuyển, kho bãi, giải pháp bảo quản và ký kết hợp đồng với đối tác.
Phải xây dựng "vùng đệm" của nông sản. Phải có chỗ kiểm soát được dịch bệnh từ lao động đến khử khuẩn. Điều này giúp hàng hoá đảm bảo khử khuẩn, vì vào tận ruộng mua nông sản không qua sơ chế sẽ dễ hư hỏng; nguồn vào mua hàng cũng dễ bị lây nhiễm, trở thành nguồn lây nhiễm. Vùng đệm có cách phòng, chống bảo hộ thì người đến mua yên tâm, người mua yên tâm và lao động tại khu vực đó như bốc vác, lái xe sẽ không bị cách ly.
Cần thiết lập hành lang để vận chuyển nông sản, và khi nói đến hành lang phải nói đến quản trị về điều phối. Phải tăng cường khả năng ứng phó để không xảy ra kiểu ngăn sông cấm chợ.
"Bên cạnh đó, cần có liên minh giữa các hợp tác xã để điều phối các vùng sản xuất lớn. Các hợp tác xã bàn lại đơn hàng, thoả thuận nguồn lực và đưa ra thị trường, tránh triệt tiêu nguồn lực trên cùng một ngành hàng, tránh phát triển theo kiểu “trăm hoa đua nở” - bộ trưởng nhấn mạnh.