Năm 2020, tổng doanh thu từ bán hàng đa cấp đạt gần 15.400 tỷ đồng
(DNTO) - Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vừa công bố báo cáo về tình hình hoạt động của các công ty đa cấp. Theo đó, trong năm 2020, cả nước có 22 công ty đa cấp, hơn 800.000 người tham gia, tổng doanh thu đạt 15.389 tỷ đồng.
Theo báo cáo này, từ năm 2015 tới năm 2020, số lượng các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đa cấp ngày càng sụt giảm.
Cụ thể, trong năm 2015, cả nước có 67 doanh nghiệp kinh doanh đa cấp, với 850.000 người tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp. Trong năm 2018, mạng lưới bán hàng đa cấp thu hút hơn 1,2 triệu người. Trong năm 2020, số lượng doanh nghiệp đa cấp chỉ còn 22 đơn vị, số người bán hàng đa cấp cũng giảm, chỉ còn khoảng 800.000 người tham gia.
Dù số lượng doanh nghiệp giảm rõ rệt, tuy nhiên, doanh thu của ngành lại có xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Số liệu thống kê về doanh thu bán hàng đa cấp tại Việt Nam giai đoạn 2015-2020 tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân trong giai đoạn đạt 16%, thuộc top 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất thế giới (năm 2019).
Cụ thể, năm 2015, tổng doanh thu từ việc bán hàng đa cấp đạt 8.000 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 588 tỷ đồng. Tới năm 2020, tổng doanh thu từ việc bán hàng đa cấp đã tăng gấp đôi, lên hơn 15.300 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 1.837 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, mô hình bán hàng đa cấp không xấu. Thậm chí, mô hình này mang lại nhiều lợi ích cho các bên.
Đơn cử, doanh nghiệp sản xuất tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng kinh doanh, tiết kiệm chi phí nhân sự; bên bán hàng đa cấp nhận được hoa hồng, còn người tiêu dùng thì mua hàng với giá rẻ hơn.
Tuy nhiên, lợi dụng một số lỗ hổng trong bán hàng đa cấp đã xuất hiện nhiều công ty đa cấp biến tướng, lừa đảo người tiêu dùng, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong 5 năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, thị trường đã thanh lọc bớt các doanh nghiệp đa cấp biến tướng.
Dù vậy, hiện thị trường bán hàng đa cấp vẫn là vấn đề phức tạp và nhạy cảm trong quản lý, khi các đối tượng ngày càng có phương thức hoạt động tinh vi, phức tạp, lợi dụng môi trường mạng và hình thức thương mại điện tử để kêu gọi người tham gia dưới các danh nghĩa như kinh doanh 4.0, công nghệ số, nền tảng số…
Do đó, Bộ Công thương cho biết sẽ tiếp tục thực hiện 3 nhóm giải pháp tổng thể để duy trì tính ổn định trong bán hàng đa cấp.
Cụ thể, đầu tiên là hoàn thiện hành lang pháp lý, khuôn khổ pháp luật; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân.
Thứ hai, sẽ nghiên cứu xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả hoạt động bán hàng đa cấp ở địa phương, giải quyết vấn đề mâu thuẫn giữa bản chất hoạt động truyền miệng, không có địa điểm cố định của hoạt động bán hàng đa cấp với khó khăn trong công tác quản lý tại địa phương khi doanh nghiệp không có địa điểm hoạt động cố định.
Cuối cùng là tăng cường phối hợp với các bộ ngành, đặc biệt là Bộ Công an, trong việc phát hiện, xử lý các đối tượng hoạt động kinh doanh đa cấp không phép, biến tướng, lợi dụng mô hình kinh doanh đa cấp để thu hút tài chính trái phép. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo để người dân sớm nhận diện và phòng tránh các hoạt động này.