Rèn luyện kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm cho trẻ
(DNTO) - Tai nạn xảy ra dẫn đến cái chết cho trẻ em là trường hợp gây nhiều đau đớn, thương tâm và ám ảnh nhất. Đã đến lúc chúng ta cần quan tâm đặc biệt đến việc rèn luyện kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm cho trẻ.
Thỉnh thoảng, chúng ta vẫn nghe thấy thông tin đau lòng về việc trẻ em thương vong do tai nạn gây ra: Hay gặp nhất là đuối nước, rơi từ trên tầng cao, bỏng nước sôi, bỏng lửa, tai nạn giao thông… cho đến những tai nạn rất hy hữu như sặc thức ăn, uống nhầm xăng, bị TV rơi xuống trúng đầu, ngã cầu thang… Không ít lần cái chết thương tâm đến với trẻ do bị bỏ quên trên xe ô tô.
Tai nạn dẫn đến thương vong cho trẻ đã được xã hội gióng lên chuông cảnh báo nhưng xem ra vẫn chưa thấy giảm. "Hầu hết những tai nạn, thương tích mà trẻ dưới 5 tuổi gặp phải đều xuất phát từ sự vô ý của người lớn. Nếu họ chú ý hơn một chút, những tai nạn thương tâm đã không xảy ra", bác sĩ Đặng Xuân Vinh, khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng II, TP.HCM, nhận xét.
Nhưng cha mẹ hay người giám sát không thể nào theo sát trẻ khi chúng dần lớn lên, tiếp xúc với môi trường bên ngoài gia đình. Vấn đề đặt ra là chúng ta buộc phải giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, đặc biệt là kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm.
Nôm na dễ hiểu, kỹ năng sống (life skills) là khả năng ứng phó, đương đầu với những tình huống đa dạng phức tạp, khó khăn, thách thức của cuộc sống một cách độc lập, tự chủ. Kỹ năng sống được hình thành từ quá trình giáo dục cộng với việc cho trẻ trải nghiệm thực tế cuộc sống. Trong đó sự trải nghiệm thực tế tỏ ra nhanh chóng và có hiệu quả hơn.
Khi bạn để cho đứa con vừa vào cấp hai của mình tự vặn đồng hồ báo thức, tự thức dậy làm vệ sinh, tự chuẩn bị dụng cụ học tập, tự dọn hoặc biết kiếm đồ ăn sáng nếu không có sẵn, tự dắt xe đạp ra bơm bánh xe rồi đi học mà cha mẹ không phải nhắc nhở, không phải làm thay… đó là khi bạn đang trao cho con mình sự chuẩn bị tuyệt vời để chúng vào đời thích nghi và chất lượng.
Còn khi con bạn đi học về với một bên đầu gối trầy xước nhưng đã được băng bó cẩn thận, kể lại với bạn rằng: Con bị bác kia đi xe máy, va quẹt té xuống đường. Con nhất định không cho bác đi, buộc bác phải gửi xe dẫn con vào trạm y tế gần đó, xem xét vết thương. Bác sĩ chắc chắn con chỉ bị xây xước ở phần mềm. Con để bác ấy đi kẻo trễ giờ làm sau khi ghi lại số điện thoại, tên tuổi và địa chỉ nhà bác ấy. Con không gọi ba mẹ vì có thể tự về nhà được, không muốn ảnh hưởng đến công việc cơ quan của ba mẹ… đó là lúc con bạn đã biết làm quen với kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm.
Kỹ năng sinh tồn còn được biểu hiện ở cách bạn tập cho con mình biết bơi lội thành thạo, biết núp mưa như thế nào để tránh sét, biết băng qua đường đúng vạch, biết cách phản ứng khi bị sàm sỡ…
Và tất nhiên, biết cách làm thế nào khi bị nhốt trong xe hơi: Như dùng búa thoát hiểm đập vỡ kính xe nếu như trước đó người lớn đã tập cho bé sử dụng thành thạo các dụng cụ trong nhà như búa đóng đinh chẳng hạn.
Trước những mối “nguy hiểm” thông thường trong cuộc sống hàng ngày như sử dụng dao, búa, các dụng cụ liên quan đến lửa, điện… thay vì buộc chúng phải tránh xa thì bạn nên mạnh dạn cho trẻ tiếp cận và hướng dẫn con sử dụng chúng như thế nào là an toàn.
May mắn trong mấy năm gần, ở nước ta, các lớp học kỹ năng sống cho trẻ rộ lên cùng với những khóa hè thực tế tỏ ra là cánh tay đắc lực cho phụ huynh trong việc giáo dục và rèn luyện kỹ năng sống cho con. Vấn đề còn lại là bạn có đủ “gan dạ, dũng cảm” buông con mình ra hay không?
Đã đến lúc vì sự an nguy của con cái, chúng ta hãy mạnh dạn thay đổi cách nhìn, thay đổi thói quen. Hãy xem giáo dục kỹ năng sống, cụ thể là rèn luyện kỹ năng sinh tồn và thoát hiểm cho trẻ là cách bảo vệ con cái chúng ta một cách hữu hiệu nhất.