Quy định kiểm soát trí thông minh là chủ đề ‘nóng’ nhất tại Diễn đàn kinh tế thế giới
(DNTO) - Thảo luận về các quy định kiểm soát trí thông minh nhân tạo đã là trọng tâm tại Diễn đàn kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ủy ban Châu Âu cho biết việc thống nhất ý kiến với Trung Quốc sẽ rất khó khăn.
Tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2024, tổ chức tại Davos - Thụy Sĩ, chủ đề trí thông minh nhân tạo và cách thức kiểm soát công nghệ mới nổi này đã được bàn luận nhiều. Diễn đàn này là nơi diễn ra hàng trăm cuộc thảo luận, phát biểu về nhiều chủ đề, dàn trải từ ngoại giao, môi trường, cho đến các công nghệ mới nhất.
Giám đốc điều hành Microsoft, Satya Nadella phát biểu: “Cùng với những lợi ích của các công nghệ mới, chúng ta sẽ phải hứng chịu các hậu quả không lường trước được. Ta cần phải suy nghĩ về cả hai khía cạnh này cùng lúc chứ không nên để các vấn đề lộ ra rồi mới tìm cách đối phó”.
Hãng công nghệ khổng lồ Microsoft hiện đang phối hợp với OpenAI để phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo khởi tạo, với ChatGPT là sản phẩm nổi bật nhất.
Khi các quan chức châu Âu và Anh Quốc xem xét khả năng điều tra mối quan hệ mật thiết giữa hai hãng, Satya Nadella nói thêm ông không muốn Microsoft nắm quyền điều khiển OpenAI hơn mức hiện tại.
“Điều chúng tôi muốn chỉ là sự ổn định”, Satya Nadella trả lời phỏng vấn báo chí, ám chỉ các luật kiểm soát công nghệ trí thông minh nhân tạo đang được bàn thảo tại Davos, chẳng hạn như EU AI Act, quy tắc ứng xử được thiết lập tại hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Hiroshima và Cơ quan tư vấn AI (United Nations AI Advisory Body) của Liên Hiệp Quốc được thành lập vào tháng 10/2023.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Antonio Guterres, đã nêu lên những rủi ro mà AI có thể mang lại đối với nhân quyền, quyền riêng tư cá nhân và xã hội, đồng thời kêu gọi các phân khúc tư nhân tham gia phát triển một mô hình quản trị "kết nối và thích ứng" cho AI.
Ông nói: “Chúng ta cần các chính phủ khẩn trương hợp tác với các công ty công nghệ về khuôn khổ quản lý rủi ro trong phát triển trí thông minh nhân tạo hiện tại, cũng như giám sát và giảm thiểu tác hại trong tương lai”. Đồng thời, ông nói thêm rằng thế giới cần tăng khả năng tiếp cận công nghệ AI để các nền kinh tế đang phát triển có thể khai thác tiềm năng to lớn của nó.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết gần 40% người làm việc trên thế giới có khả năng ứng dụng AI, con số này là 60% ở các nền kinh tế tiên tiến.
Nhiều chính phủ thừa nhận cần phải có quy định kiểm soát công nghệ này. Vào tháng 12/2023, Liên minh Châu Âu đã trở thành cơ quan chính phủ đầu tiên thông qua các luật AI tạm thời. Các quốc gia khác trên thế giới cũng đang nghiên cứu quy định quản lý AI.
Vera Jourova, phó chủ tịch Ủy ban Châu Âu về giá trị và tính minh bạch, cho biết trong một cuộc thảo luận: “Luật pháp chậm chạp hơn rất nhiều so với tốc độ phát triển công nghệ, nhưng đó là luật”. Bà tiếp tục: “Chúng ta đột nhiên nhận thấy tiềm năng sáng tạo của AI trong các mô hình của Chat GPT. Và nó đã thôi thúc chúng tôi cùng với các nhà lập pháp địa phương soạn thảo những chương mới trong đạo luật quản lý AI. Chúng tôi đã cố gắng phản ứng dựa trên thực trạng mới. Thành quả đã đạt được. Việc tinh chỉnh luật sẽ vẫn tiếp diễn, nhưng tôi tin rằng các đạo luật AI sẽ có hiệu quả".
Brad Smith, Phó chủ tịch và Giám đốc Microsoft, nói ông mong đợi nhiều sự tương đồng trong tương lai: “Chúng ta sẽ không thể tránh khỏi sự khác biệt trên thế giới, nhưng thực tế, con người quan tâm đến nhiều điều tương tự và có những cách tiếp cận vấn đề rất giống nhau”.
Ông nói thêm: “Điều cần nhớ là có rất nhiều luật hiện hành trên khắp thế giới không nhất thiết được lập ra cho AI nhưng chúng hoàn toàn có thể áp dụng cho AI, chẳng hạn như luật về quyền riêng tư, quy tắc an ninh mạng, an toàn kỹ thuật số, bảo vệ trẻ em, bảo vệ người tiêu dùng, luật cạnh tranh”.
Cách tiếp cận công nghệ AI của Trung Quốc cũng được đưa ra trong cuộc thảo luận, trong đó đáng chú ý nhất là vấn đề quyền riêng tư.
Vera Jourova nói: “Trung Quốc muốn sử dụng AI để kiểm soát xã hội. Trong đạo luật AI, đã có các cuộc đàm phán kéo dài và rất khó khăn để thống nhất vấn đề cho phép chính phủ sử dụng AI đến mức nào, đặc biệt là trong lĩnh vực thực thi pháp luật. Vì chúng tôi muốn duy trì triết lý bảo vệ từng cá nhân và cân bằng nó với các biện pháp an ninh quốc gia. Như vậy, trong vấn đề này chúng tôi đã không thể thống nhất ý kiến với Trung Quốc”.
Smith kết thúc cuộc thảo luận bằng lưu ý: "...có nhiều giá trị được chia sẻ rộng rãi trên toàn cầu, ngay cả trong một thế giới quá chia rẽ. Không chính phủ nào muốn máy tính khơi mào cuộc chiến tranh mới. Và mọi quốc gia đều muốn nhân loại giữ khả năng kiểm soát công nghệ này."
Ông nói thêm, "Khi bạn nhìn vào luật AI của phương Tây và các biện pháp của Trung Quốc, bạn sẽ thấy một bên là tiếng nói của nhà triết học Aristotle và ở phía bên kia là tiếng nói của Khổng Tử, những truyền thống triết học lâu đời thể hiện cách chính phủ quản lý xã hội”.