Quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ 'nổ' như thuốc chữa bệnh: Còn nhiều lỗ hổng
(DNTO) - Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, qua giám sát, thanh, kiểm tra, Cục phát hiện nhiều doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook, YouTube... Nhiều ca sĩ, diễn viên quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng...
Tại hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022", diễn ra hôm nay, 10/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, gây hiểu lầm cho người dân.
Theo Thứ trưởng, thời gian qua dù Bộ Y tế, Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Công an... và các địa phương đã vào cuộc xử lý vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh, nhưng tình trạng này vẫn giảm không đáng kể.
Về vấn đề quản lý quảng cáo thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, cho biết nhiều doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube...
Qua công tác giám sát, hậu kiểm và thanh, kiểm tra, Cục đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai.
"Một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên sẵn sàng vi phạm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý", ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, hiện vẫn có tình trạng chỉ chú trọng giấy tiếp nhận hồ sơ quảng cáo, còn kiểm duyệt nội dung quảng cáo vẫn lơ là...
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cũng cảnh báo, nhiều người nghe tin theo các quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng, các phương pháp điều trị truyền miệng mà không tuân thủ hướng dẫn của ngành y tế, đến khi uống thực phẩm chức năng, thực phẩm quảng cáo mà không khỏi bệnh, mới quay lại làm theo hướng dẫn thì đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc điều trị bệnh.
Bàn về vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, từ 2018-2020 (chưa tính đến trường hợp tới tận nơi thanh tra xử phạt) đã phạt hơn 1,6 tỉ đồng với 24 cơ sở vi phạm. Để mang tính răn đe, doanh nghiệp vi phạm còn bị nêu tên trên website.
"Chúng ta có cả một rừng văn bản" cho những cơ sở hợp pháp, tìm đến đăng ký đàng hoàng, nhưng xử phạt đối với hình thức kinh doanh mới trên mạng điện tử còn khó khăn, nhiều lỗ hổng", bà Lan cho biết.
Theo bà Lan, phải quy định trong luật rõ ràng trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nếu quảng cáo không phải do đơn vị làm thì khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan quản lý, tránh trường hợp khi kiểm tra thì lại báo là do ai đó quảng cáo chứ không phải mình, trong khi sản phẩm bán đi thì cũng nhận lợi nhuận.
Đồng tình với quan điểm này của bà Phong Lan, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh thêm việc tới đây đề nghị khi sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính cần quy định: Nếu doanh nghiệp nào đang vi phạm về quảng cáo thì tạm dừng tiếp nhận hồ sơ công bố, quảng cáo mới…
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quảng cáo, trong đó có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Ông Tuyên nhấn mạnh: "Quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng không phải do riêng một bộ, ngành nào thực hiện mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành". Đồng thời ông đề nghị Bộ Công thương cần tiếp tục tăng cường quản lý sàn giao dịch điện tử, bán hàng đa cấp; có biện pháp giám sát các buổi tuyên truyền, phát triển thành viên bán hàng đa cấp qua các buổi hội thảo, hội nghị; Có chế tài xử phạt sàn thương mại điện tử vi phạm.
Đối với Bộ Thông tin Truyền thông, Sở Thông tin Truyền thông các tỉnh, thành, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định; Quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội; Đồng thời rà soát, quản lý chặt việc hoạt động của các tên miền, tránh tình trạng xin cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo; phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các đơn vị sở hữu tên miền vi phạm, nếu tái phạm thì có thể rút tên miền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tăng cường truyền thông, tuyên truyền các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng; Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm của người tiêu dùng như là thuốc chữa bệnh…
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng mong muốn mỗi người tiêu dùng hãy tự mình không tin những quảng cáo quá lời về công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe để tránh tiền mất, tật mang.