Cảnh giác chiêu trò mạo danh sàn thương mại điện tử lừa đảo người dân
(DNTO) - Tình hình dịch Covid-19 khiến người dân chọn mua hàng online thay cho đi chợ truyền thống. Đồng thời, đời sống khó khăn cũng làm cho nhu cầu tìm việc tăng cao. Lợi dụng tâm lý này, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh sàn thương mại điện tử hòng lừa đảo chiếm đoạt tài sản người dân.
Chị H. (38 tuổi, trú tại Hà Nội) cho biết, vào ngày 7/2/2022, chị nhận được một lời mời làm cộng tác viên bán hàng của Shopee. Theo hướng dẫn, chị H. kết bạn Zalo với một người và được phân công làm nhiệm vụ thanh toán các đơn hàng để được hưởng tiền hoa hồng. Với mỗi đơn hàng chị sẽ được hưởng chênh lệch từ 10 đến 20%. Tin tưởng, chị H. đã thanh toán nhiều đơn hàng với tổng số tiền là hơn 800 triệu đồng nhưng chờ mãi không nhận lại được tiền gốc và phần chiết khấu. Biết mình bị lừa, chị H. đến công an trình báo sự việc. Hôm qua ngày 20/2, Công an TP Hà Nội cho biết cơ quan chức năng đang vào cuộc điều tra.
Không chỉ ở Hà Nội mà, mà ở TP.HCM cùng các tỉnh thành khác thời gian qua cũng có không ít người dân bị sập bẫy các đối tượng mạo danh các trang thương mại điện tử nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trục lợi thông tin cá nhân của người dân.
Hai hình thức phổ biến nhất là lừa đảo qua chiêu trò chuyển khoản đặt cọc trước khi mua hàng và tuyển dụng phụ bán hàng online.
Chiêu trò chuyển khoản đặt cọc
Do sự tiện lợi, nhanh chóng và nhất là an toàn trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nên hình thức mua hàng online càng ngày càng được mọi người chọn lựa, nó trở thành phương thức mua bán phổ biến của mọi người nhất là với các chị em nội trợ. Là người phụ trách chi tiêu chủ yếu trong gia đình, các chị em phụ nữ thường có tâm lý tìm các mặt hàng có giá rẻ, có khuyến mãi nhằm tiết kiệm và trang trải.
Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng xấu chiêu dụ người mua bằng cách đăng tin bán các sản phẩm với giá thấp hơn giá thị trường và nhận ship “đến tận giường” cho kiểm tra, trả đổi hàng thoải mái. Để thêm phần thuyết phục, họ còn nhiệt tình gọi xác nhận địa chỉ và thời gian giao hàng với khách.
Vì quá nôn nóng mua hàng vừa rẻ, vừa tiện lợi, nhanh chóng vừa được ưu đãi nên khi “tiếp chiêu”: Do tránh tình trạng “bùng hàng”, cũng như đảm bảo giữ giá tốt nhất, đề nghị người mua chuyển khoản đặt cọc trước, khách hàng không ngần ngại “xuống tay”.
Sau khi chuyển tiền, đợi chờ mòn mỏi vẫn không ai giao hàng như thỏa thuận, gọi điện, nhắn tin không thấy trả lời… mới biết mình bị lừa thì đã “tiền mất tật mang”.
Lừa đảo tuyển dụng cộng tác viên bán hàng online
Sau thời gian bị ngưng trệ vì dịch bệnh, ai cũng nghĩ các nhân viên bán hàng lớp chuyển nghề, lớp về quê không trở lại, do đó nhu cầu tuyển dụng người tăng lên là điều tất yếu. “Niềm tin” ấy khiến cho không ít người đặt hết hy vọng vào các tin nhắn quảng cáo tuyển dụng phụ bán hàng online.
Đối tượng bị nhắm tới vẫn là những người nhẹ dạ cả tin, nhất là những người đang không có việc làm, đang nhảy việc do dịch, sinh viên muốn làm thêm, phụ nữ đang nuôi con nhỏ tại nhà muốn kiếm thêm thu nhập…
Chiêu trò của kẻ xấu là cộng tác viên sẽ thanh toán đơn hàng trước cho công ty sau đó mới nhận tiền gốc cộng thêm chiết khấu. Đến lúc mải không nhận lại được tiền mới biết mình bị lừa đảo như trường hợp người phụ nữ ở quận Đống Đa, Hà Nội vừa bị mất hơn 800 triệu đồng mới đây.
Sàn thương mại điện tử Lazada thời gian qua là một trong những đơn vị bị kẻ xấu lợi dụng đăng tin nhắn mạo danh tuyển nhân viên với lời dụ "dễ dàng kiếm 800.000 đồng bằng điện thoại di động và nhận tiền ngay trong ngày".
Đại diện Lazada cảnh báo những hình thức lừa đảo thường gặp phải là: Hỗ trợ đổi trả hàng bằng link giả mạo rồi chiếm đoạt tiền trong tài khoản; yêu cầu khách khai báo để chiếm dụng thông tin cá nhân; thông báo trúng thưởng rồi yêu cầu người nhận trả trước phí vận chuyển…
Còn đây là một mẫu tin nhắn mạo danh Shopee: "Shopee xin chúc mừng tài khoản … đã may mắn nhận được thẻ quà tặng tiền mặt trị giá…. Truy cập vào trang web www.mobilebanking-shopee.vn chọn đồng ý để xác nhận tài khoản nhận tiền".
Lọt vào bẫy này, người dùng sẽ nhấp vào đường link trên “tự nguyện” cung cấp thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng trực tuyến bao gồm cả mã OTP… và kết quả sau đó nạn nhân sẽ dễ dàng bị kẻ xấu chiếm quyền sử dụng tài khoản, chiếm đoạt tiền.
Vừa qua, Công an TP.HCM đã ghi nhận một số trang web giả mạo Shopee như: https://taikhoan.nhanquatangshopee.com; www.xacnhangiaodich365.com; www.ketnoiidbank.com; www.lienketbankshopee.com.
Theo tin từ Bộ Công an thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều đường dây lừa đảo tiền của cộng tác viên bán hàng trực tuyến trên phạm vi toàn quốc với hơn 3.000 người là nạn nhân.
Mong rằng đây là con số khiến cho những ai có ý định tham gia mua bán, giao dịch trên các sàn thương mại điện tử cần thận trọng, cân nhắc, tránh trường hợp bị lừa đảo bởi kẻ xấu.