Quan hệ Mỹ - Trung: Tương đồng và dị biệt
(DNTO) - Quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ phức tạp, có những điểm tương đồng và nhiều dị biệt, là mối quan hệ điển hình về hợp tác và đấu tranh, cạnh tranh trong xu thế chung hiện nay, thể hiện mâu thuẫn sâu sắc trong mục tiêu thống lĩnh để giữ vai trò sắp đặt trật tự thế giới.
Quan hệ Mỹ - Trung đã trải qua gần nửa thế kỷ thăng trầm và đang là mối quan hệ song phương trọng yếu nhất, rất phức tạp và chi phối nhiều vấn đề lớn của thế giới hiện nay. Đó là quan hệ của một nước mạnh nhất toàn cầu về quân sự, chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ và truyền thông nhưng đang bị xuống sức trông thấy với một nước đông dân nhất, có những bước phát triển kinh tế nhanh nhất trong mấy thập kỷ qua để vươn lên chiếm vị trí thứ hai của kinh tế thế giới.
Đây cũng là quan hệ giữa một nước phát triển mạnh nhất với một nước đang phát triển lớn nhất; giữa một nước quyền lực lớn nhất phương Tây với một nước thế lực nhất phương Đông.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hai nước hiện nay chiếm trên 1/3 GDP của thế giới. Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước cao nhất thế giới trong nhiều năm qua. Mỹ và Trung Quốc cũng là hai đầu tàu lớn của nền kinh tế thế giới. Đều là Ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, hai nước có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các công việc quốc tế.
Tương quan lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc đang có những thay đổi đáng kể. Từ khi Mỹ trải qua sự kiện 11/9/2001, tiếp đó là hai cuộc kháng chiến ở Iraq và Afghanistan, thực lực của Mỹ có sự sụt giảm đáng kể. Đã thế, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ Mỹ năm 2008 và tiếp đó là đại dịch Covid-19 hoành hành khiến Mỹ vấp phải nhiều khó khăn, thách thức.
Trong khi đó, Trung Quốc thực hiện cải cách, mở cửa, nắm bắt thời cơ quốc tế thuận lợi để phát triển nhanh chóng, GDP đã vượt qua cả ba nước là Pháp, Đức, Nhật để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, khoảng cách của Trung Quốc với Mỹ đang thu hẹp rõ rệt. GDP của Trung Quốc năm 2000 bằng 12% của Mỹ, tới năm 2010 tăng lên 40% và hiện nay khoảng cách càng gần hơn, bằng khoảng ¾ của Mỹ. Những nhà nghiên cứu cho rằng chỉ cần hơn một thập niên nữa, kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ.
Thực hiện “giấc mộng Trung Hoa”, Trung Quốc đang đẩy mạnh triển khai chiến lược “Vành đai và con đường” để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, chi phối từng phần và tiến tới làm chủ thế giới. Không chỉ vậy, Trung Quốc đã triển khai những hành động quân sự, tăng cường sản xuất vũ khí hiện đại, xây dựng căn cứ quân sự ở một số nơi trên thế giới, đặc biệt là gây ra nhiều biến động trên Biển Đông.
Đứng trước tình hình đó, Mỹ đã có nhiều phản ứng quyết liệt. Các cuộc chiến về thương mại, khoa học công nghệ đã nổ ra và giữa Mỹ và Trung Quốc có lúc bùng lên dữ dội, có lúc có phần hạ nhiệt nhưng không ngưng nghỉ.
Về quân sự, kế tiếp chính sách quốc phòng của cựu Tổng thống Trump, chính quyền của Tổng thống Biden khẳng định Trung Quốc là quốc gia duy nhất có khả năng và năng lực thông qua việc phối hợp giữa sức mạnh quân sự, kinh tế, ngoại giao của mình để thách thức chiến lược lâu dài với Mỹ và thay đổi trật tự thế giới hiện hành. Bởi vậy Mỹ chủ động tạo dựng “mối liên kết chặt chẽ nhất” với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và coi lợi ích chiến lược tại khu vực này, trong đó có Biển Đông là “lợi ích sống còn”. Mỹ đã thiết lập “Tứ giác kim cương” bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản để chung sức thực hiện chiến lược quân sự trên địa bàn trọng điểm này.
Tiếp đó, ngày 15/9, Mỹ, Anh, Australia tuyên bố thiết lập quan hệ đối tác quốc phòng và an ninh để “bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích chung ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Thỏa thuận này tạo điều kiện cho các nước thành viên có khả năng trang bị những phương tiện, vũ khí quân sự tiên tiến nhất để đẩy lùi các mối đe dọa đang diễn ra tại các vùng biển khu vực này.
Quan hệ Mỹ - Trung là quan hệ phức tạp, có những điểm tương đồng và nhiều dị biệt, là mối quan hệ điển hình về hợp tác và đấu tranh, cạnh tranh trong xu thế chung hiện nay, thể hiện mâu thuẫn sâu sắc trong mục tiêu thống lĩnh để giữ vai trò sắp đặt trật tự thế giới.
Có sự tương đồng và hợp tác vì cả hai nước đều cần nhau trong quan hệ kinh tế, thương mại để thúc đẩy phát triển kinh tế, cùng có lợi. Sự dị biệt rõ nét nhất chính là sự khác xa nhau ở thể chế chính trị, ý thức hệ, trình độ phát triển, truyền thống văn hóa, lịch sử. Hai nước luôn đấu tranh về lợi ích chiến lược lâu dài do cả hai đều muốn bá chủ thế giới; đồng thời dễ đụng độ nhau vì lợi ích trước mắt, thường xuyên trên nhiều lĩnh vực và trong nhiều địa bàn chiến lược.
Trong thế giới toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, quan hệ Mỹ - Trung không chỉ diễn biến trong khuôn khổ hai nước, mà còn chịu tác động bởi những quan hệ phức tạp khác trong cấu trúc song phương, đa phương mà cả Mỹ và Trung Quốc đều phải tham gia và bị chi phối.
Quan hệ hai nước lớn nhất này là nhân tố gây ra những tình huống mới trong trật tự kinh tế - chính trị của thế giới đương đại mà ở đó, mỗi quốc gia, dân tộc đều có khát vọng thiết tha là hòa bình, hợp tác, hữu nghị, bình đẳng, dân chủ và tiến bộ xã hội. Chính vì thế đây là mối quan hệ mà cả cộng đồng quốc tế cũng như mỗi nước đều phải quan tâm để có những đối sách thích hợp.