Phát triển thị trường cho vay tiêu dùng, đẩy lùi tín dụng đen
(DNTO) - Trong những năm qua, hành lang pháp lý quản lý thị trường cho vay tiêu dùng không ngừng được hoàn thiện. nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận vốn vay và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, hạn chế nợ xấu từ các tín dụng đen.
Cùng với sự phát triển kinh tế thì mức tiêu dùng của người dân ngày càng tăng, theo đó nhu cầu tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng cũng tăng cao trong thời gian qua. Để hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng, giảm rủi ro, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 18 quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính với kỳ vọng phát triển thị trường cho vay tiêu dùng an toàn, lành mạnh.
Thực tế cho thấy, tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng với người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế. Với người dân, tài chính tiêu dùng đáp ứng nhu cầu thiết thực hàng ngày và làm cho quản lý tài chính cá nhân tốt hơn. Đối với hộ kinh doanh nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn thì tài chính tiêu dùng đáp ứng về vốn và giúp các hộ kinh doanh này quay vòng đồng vốn nhanh hơn để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Còn với nền kinh tế, tiêu dùng cá nhân đang chiếm 67-78% GDP nên tín dụng tiêu dùng có vai trò quan trọng, góp phần phát triển thị trường tài chính và giảm tình trạng tín dụng đen.
Những năm qua, hoạt động cho vay tiêu dùng tại Việt Nam phát triển khá mạnh, với sự tham gia tích cực của nhiều tổ chức tín dụng (TCTD), đặc biệt là các công ty tài chính (CTTC). Dù còn ở mức khiêm tốn nhưng tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng và tỷ trọng tín dụng tiêu dùng so với tổng tín dụng đối với nền kinh tế đều đã tăng đáng kể với mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Về thị phần, dư nợ cho vay tiêu dùng mới chỉ chiếm khoảng 8% tổng dư nợ tín dụng của toàn hệ thống, cho thấy hoạt động này còn rất nhiều tiềm năng phát triển.
"Nguyên nhân tín dụng tiêu dùng tăng cao và có tiềm năng phát triển chủ yếu do dân số trẻ và dân số thành thị tăng cao khiến gia tăng nhu cầu về nhà ở. Đồng thời, do người dân chuyển dần từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán qua ngân hàng, và có xu hướng sẵn sàng vay nợ cho các nhu cầu của đời sống. Hơn nữa, cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được hưởng lợi từ mức tăng trưởng kinh tế tương đối cao, nhu cầu tiêu dùng lớn, hệ thống TCTD ngày càng phát triển, đa dạng hóa hoạt động theo hướng hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, qua đó luôn sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân", đại điện công ty Tài chính nhận định.
Cũng theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quy định một tỷ lệ giải ngân bằng tiền mặt trong tổng dư nợ cho vay tiêu dùng là cần thiết. Quy định này cộng với việc tăng cường giám sát, kiểm soát của chính các tổ chức cho vay sẽ giúp hạn chế nợ xấu từ hoạt động cho vay tiêu dùng.
Theo đó,Thông tư 18 quy định đến ngày 1/1/2024, các CTTC mới phải tuân thủ tỷ lệ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tối đa 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng, do vậy, không tác động nhiều đến hoạt động cho vay tiêu dùng của các CTTC do đã có thời gian chuyển tiếp để đảm bảo tuân thủ các tỷ lệ theo lộ trình.
Về quy định thu hồi nợ, giải quyết khiếu nại của khách hàng, Thông tư 18 quy định phải có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho CTTC. Trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó CTTC phải niêm yết công khai tại trụ sở, chi nhánh, điểm giới thiệu dịch vụ và đăng tải trên trang thông tin điện tử của CTTC. Đồng thời, CTTC phải đăng tải thông tin liên hệ của CTTC, danh sách (tên, địa chỉ) điểm giới thiệu dịch vụ, những điều cần biết về cho vay tiêu dùng, các câu hỏi thường gặp trong cho vay tiêu dùng trên trang thông tin điện tử của CTTC.
Cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng, giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cơ bản tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng. Quy định cụ thể trách nhiệm của người quản lý, phụ trách điểm giới thiệu dịch vụ trong việc báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố nơi có điểm giới thiệu dịch vụ.
Thường xuyên rà soát, nâng cao chất lượng quy trình tuyển dụng, đánh giá nhân viên, hạn chế rủi ro đạo đức. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật, quy trình, quy định nội bộ trong hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; công bố công khai trong nội bộ việc xử lý các vi phạm này.
Ngoài ra, Thông tư 18 còn bổ sung quy định trách nhiệm của các đơn vị thuộc NHNN nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, tạo điều kiện thuận lợi cho NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố trong việc thanh tra, giám sát hoạt động của chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của CTTC trên địa bàn.
Các quy định trên vừa thúc đẩy vai trò của các CTTC tiêu dùng, đồng thời phải có kiểm soát để giảm rủi ro phát sinh từ việc các CTTC tập trung cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp trong thời gian qua. Qua đó giúp đa dạng hóa sản phẩm, hướng tới khách hàng có nhu cầu vay tiêu dùng thực sự, từ đó giảm rủi ro, khiếu nại, tranh chấp từ khách hàng, giảm lãi suất cho vay, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng. Và cuối cùng là để đảm bảo cho vay tiêu dùng phát triển an toàn, bền vững, lành mạnh.
Để thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam theo kịp với sự phát triển của thị trường thế giới, bên cạnh việc hoàn thiện các vấn đề pháp lý cho kênh tài chính tiêu dùng thì cần tăng cường các chính sách, biện pháp và vai trò các tổ chức liên quan trong việc bảo vệ lợi ích của khách hàng vay tiêu dùng. Đồng thời, tăng cường các hình thức giáo dục tài chính nhằm nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm dịch vụ tài chính đối với người dân, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn để vay tiêu dùng lành mạnh thực sự "cất cánh".