Nông nghiệp sẽ trở thành mảnh đất sinh vàng của các đại gia Việt?
(DNTO) - Đánh giá ngành nông nghiệp sẽ có nhiều tiềm năng, có khá nhiều đại gia trên sàn chứng khoán như Hoàng Anh Gia Lai, Thaco, Hòa Phát, Vingroup, FLC....quan tâm và quyết định rút hầu bao, đầu tư vào ngành này.
Trong những năm gần đây, nông nghiệp dường như được xem là một miếng bánh hấp dẫn đang đợi các ông lớn có tiềm lực tài chính khai phá. Đặc biệt là khi Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào thị trường hàng hóa thế giới nhưng tình trạng manh mún và điệp khúc được mùa mất giá của các hộ nông nghiệp nhỏ vẫn đang tiếp diễn. Bức tranh ngành nông nghiệp Việt Nam tuy được quan tâm nhưng vẫn thiếu sự chuyên nghiệp và chiến lược phát triển cụ thể.
Nhìn thấy tiềm năng tăng trưởng màu mỡ, nhiều đại gia đình đám của Việt Nam đã quyết định xuống tiền vào nông nghiệp, thậm chí bỏ đi cả mảng bất động sản truyền thống để làm một nông dân trong thời đại công nghiệp.
Tuy nhiên, khi chứng kiến kết quả kinh doanh tươi sáng cộng với xu hướng rất nhiều đại gia Việt đang có kế hoạch đổ vốn nghìn tỷ vào nông nghiệp thì người ta mới đặt ra câu hỏi: Phải chăng, nông nghiệp đang không còn bị coi là “vịnh trú bão” cho các đại gia Việt mà nó thực sự trở thành mảnh đất sinh vàng cho họ trong tương lai?
Hoàng Anh Gia Lai cầm cờ tiên phong
Thành công của ông chủ tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức đang là bước đệm để các nhà đầu tư tin rằng đổ tiền vào nông nghiệp đang là sự lựa chọn đúng đắn.
Từ năm 2008 khi bầu Đức quyết định đổ vốn vào trồng hơn 15 vạn ha cao su tại Attapeu (Lào), bất động động sản lúc này còn đang nóng hổi. Khi đó rất nhiều người đặt dấu hỏi nghi ngờ về hiệu quả của lĩnh vực kinh doanh mới, không phải thế mạnh của ông chủ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và đặt dấu hỏi vì sao ông không đổ vốn vào bất động sản vốn đang trong lúc “ăn thời gặp số” của nhiều đại gia Việt.
Bốn năm sau, năm 2012, người ta lại thấy Bầu Đức chơi “ngông” khi tiếp tục đổ vốn vào trồng mía đường, trong bối cảnh các nhà máy mía đường Việt Nam thừa công suất và lượng mía nguyên liệu của người dân một số vùng không biết bán cho ai. Người ta lại hết sức nghi ngờ sự đầu tư “trái khoáy” của bầu Đức có mang hiệu quả?
Tiếp đó, tháng 4/2014 bầu Đức tiếp tục đổ vốn khủng vào trồng hơn 5.000ha ngô (bắp) tại Lào. Sau 6 năm lăn lộn vào nông nghiệp công nghệ cao, HAGL của bầu Đức đã sở hữu 46.000 ha cao su, 10.000ha mía và 6.000 ha bắp tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Không chỉ dừng lại ở trồng trọt, tháng 6/2014, bầu Đức tiếp tục dấn thân vào ngành chăn nuôi khi góp vốn hơn 6.300 tỷ cùng hai đối tác nuôi 236.000 con bò sữa và bò thịt tại Lào.
Đầu năm nay, thương vụ đình đám giữa ông Trần Bá Dương và Đoàn Nguyên Đức đã gây sốt thương trường.
Nhận định nông nghiệp Việt Nam không thể tiếp tục phát triển nếu không có sự tham gia của máy móc công nghiệp, ông Trần Bá Dương, CTCP ô tô Trường Hải (Thaco) đã quyết định dấn thân để tạo ra một điển hình chuẩn trong sản xuất nông nghiệp.
Ngoài việc phối hợp với Tập đoàn Lộc Trời xây dựng tổ hợp công nghiệp sau thu hoạch lúa tại miền Bắc, mới đây, Thaco đã quyết định bắt tay với CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HNG).
Với mảng mới này, ông Dương cũng cho biết việc làm nông nghiệp nói chung và nhận HNG nói riêng là bất đắc dĩ. Làm Chủ tịch HNG và làm nông nghiệp công nghệ cao là thách thức lớn thứ ba trong đời doanh nhân của ông.
Ngoài cứu HNG, THADI mới đây hợp tác chiến lược với Hùng Vương để phát triển thêm mảng chăn nuôi. Tuy nhiên hoạt động chăn nuôi lợn này mới chỉ được lên kế hoạch với dự kiến đầu tư theo tiêu chuẩn EFSA với quy mô 1,2 triệu con/năm.
FLC "rót vốn" vào dự án nông nghiệp công nghệ cao
Không chỉ tập trung vào mảng kinh doanh cốt lõi là bất động sản, Tập đoàn FLC cũng theo chân các đại gia trên sàn nhảy vào mảng nông nghiệp. Theo đó, FLC xác định nông nghiệp công nghệ cao là một trong những lĩnh vực trọng điểm với tổng vốn đầu tư dự kiến đạt 1,5 tỷ USD trong giai đoạn 2018 - 2020 và quỹ đất lên tới 15.000 ha trải dài tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao mà Tập đoàn FLC sẽ triển khai thực hiện gồm các loại cây trồng chủ yếu: ớt, chanh dây, cam, thanh long… và một số loại cây trồng nhập khẩu khác để chế biến đóng gói xuất khẩu và phục vụ nhu cầu trong nước, đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC.
Năm 2020, Công ty dành 90% diện tích các nông trường vào việc sản xuất các loại cây ăn quả ngắn ngày và 10 % cho cây ăn quả trong nhà màng, phấn đấu trở thành đơn vị đẫn đầu thi trường xuất khẩu trái cây của Việt Nam.
Ông lớn ngành thép nhảy vào thị trường chăn nuôi
Xuất thân là một đại gia lão làng trong ngành thép, Tập đoàn Hòa Phát cũng có kế hoạch xen ngang làm nông nghiệp như FLC và Thaco.
Bước đi đầu tiên của Hòa Phát là thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và sản xuất Thức ăn Chăn nuôi Hòa Phát vào 2015. Hoạt động chính của công ty là chăn nuôi, chế biến thức ăn gia súc và các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp.
Trong năm 2017, mảng nông nghiệp đóng góp 6% vào tổng doanh thu của tập đoàn, và khoảng 1% vào tổng lợi nhuận, tương đương khoảng 80 tỷ đồng.
Ở mảng chăn nuôi heo, từ năm 2016, Công ty Chăn nuôi Phước Hòa, công ty con của Tập đoàn Hòa Phát, đã triển khai dự án trại nuôi heo lớn tại địa phận xã Minh Đức, Bình Phước.
Sản lượng thức ăn chăn nuôi trong năm 2018 dự kiến tăng 30% so với năm 2017. Hòa Phát đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ đạt 1 triệu tấn thức ăn chăn nuôi/năm, 450.000 đầu heo thương phẩm/năm, 75.000 bò thịt/năm và 300 triệu trứng gà sạch/năm.
Hòa Phát cho biết Tập đoàn vẫn tiếp tục cam kết nuôi dưỡng lĩnh vực nông nghiệp và tiến tới thực hiện mục tiêu lâu dài đã đề ra. Theo đó, Tập đoàn dự kiến cung cấp ra thị trường 20 triệu quả trứng gà thương phẩm và gia tăng sản lượng bò Úc trong năm 2018.
Vingroup đi sau nhưng nắm lợi thế lớn về đầu ra
Một đại gia khác cũng lấn sân vào nông nghiệp đó là Vingroup với VinEco. Công ty này được thành lập vào 2015 và tập trung vào sản xuất rau củ quả sạch các loại. Dù đi sau nhưng Vingroup có một lợi thế to lớn mà nhiều đại gia khác không có chính là đầu ra sản phẩm dễ dàng nhờ 2 hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ rộng khắp cả nước.
Ngay từ khi thành lập, VinEco đã xác định xuất khẩu là chiến lược dài hơi. Mục tiêu là trở thành một doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản uy tín trong nước và có trách nhiệm mang nông sản Việt Nam đến với thị trường quốc tế.
Với mục tiêu này, VinEco đã tích cực tham gia các hội chợ quốc tế như Thaifex; Tuần hàng Việt Nam tại Rungis Pháp; Hội chợ Gulfood 2017, 2018 - Hội chợ thường niên lớn nhất thế giới về nông sản, thực phẩm và đồ uống tại Dubai… Những chuyến xuất ngoại của nông sản Việt đã gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn bè quốc tế.
Đến thời điểm hiện nay, VinEco đã có những đơn hàng đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và đang tiếp tục mở rộng thị phần tới các quốc gia khác.