Nóng bỏng cuộc đua nâng vốn trước nguy cơ margin cạn kiệt
(DNTO) - Sự bùng nổ của thị trường chứng khoán thời gian qua khiến hoạt động ký quỹ (margin) tại nhiều công ty chứng khoán luôn trong tình trạng "căng", dẫn đến hoạt động tăng vốn của các công ty này trở nên gấp gáp hơn bao giờ hết.
Margin có dấu hiệu "kịch trần"
Đó là lo ngại của nhiều công ty chứng khoán trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường đang trong "cơn sốt" với dòng vốn ồ ạt đổ về. Nhu cầu vốn lớn khiến các nhà đầu tư chứng khoán tìm đến khoản vay margin nhiều hơn; bản thân các công ty cũng không ngừng có nhiều chính sách mới thu hút họ.
Nếu tính đến cuối năm ngoái, tổng dư nợ giao dịch ký quỹ tại các công ty chứng khoán đạt mức 80,9 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 48% so cuối năm 2019 thì đến cuối quý 1 năm nay, con số này đạt 101,4 nghìn tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kỷ lục mới được thiết lập khi ngày 31/5 vừa qua, theo ông Phạm Hồng Sơn - Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, dư nợ margin toàn thị trường đã lên tới con số 112,1 nghìn tỷ đồng, tăng 31,2 nghìn tỷ đồng so với cuối năm ngoái và tăng 10,7 nghìn tỷ đồng so với cuối quý 1 vừa qua.
Dòng tiền margin vào thị trường tăng cao, theo ông Sơn, là điều dễ hiểu khi thị trường đang phát triển nóng. Ông Sơn cũng khẳng định: "Một số công ty chứng khoán đã có dấu hiệu cho vay margin chạm trần".
"Hiện dư nợ margin vẫn trong khả năng kiểm soát, tuy nhiên, việc con số này tăng liên tục, dự báo sẽ còn tăng nữa thì cần tăng cường thanh tra, giám sát để đảm bảo việc cho vay margin là đúng pháp luật, an toàn cho công ty chứng khoán và an toàn bền vững cho dòng tiền trên thị trường" - ông Sơn nhấn mạnh.
Quý 1 năm nay, nhiều công ty chứng khoán đã ghi nhận khoản dư nợ margin trong tình trạng gần kịch trần. Tính đến ngày 31/3, Công ty SSI dẫn đầu về dư nợ cho vay margin với 10.878 tỷ đồng, tăng 20,7% so với đầu năm, trong khi vốn chủ sở hữu đang là 11.167 tỷ đồng.
Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) xếp thứ hai với 8.876 tỷ đồng. Ở vị trí tiếp theo là Công ty Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) với danh mục cho vay margin 5.664 tỷ đồng; KIS Việt Nam là 4.921 tỷ đồng; VCSC cho vay 4.573 tỷ đồng; MBS là 4.072 tỷ đồng…
Trong khi đó, theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tổng dư nợ cho vay giao dịch ký quỹ của một công ty chứng khoán không được vượt quá 200% vốn chủ sở hữu, tức là không được vượt quá 2 lần, nhưng nhiều công ty vẫn vượt rào trong quý 1 vừa qua, như tại MBS, giá trị các khoản cho vay gấp 2,2 lần vốn chủ sở hữu; Mirae Asset là 1,8 lần; HSC là 1,86 lần hay ở Yuanta Việt Nam là 1,9 lần... Tỷ lệ này thuần margin, chưa tính đến khoản ứng trước tiền bán.
Nóng cuộc đua tăng vốn
Khi thị trường đang trong cuộc chơi nóng, nhu cầu với margin của các nhà đầu tư tăng lên, việc các công ty tiến hành nhiều cách để tăng nguồn vốn là điều dễ hiểu.
Trong thông báo mới nhất của mình ngày 3/6, Công ty SSI cho biết sẽ phát hành tối đa hơn 219,1 triệu cổ phiếu thưởng với tỷ lệ phát hành 6:2 (tương ứng cổ đông sở hữu 6 cổ phiếu được nhận về 2 cổ phiếu mới), dự kiến thu về 2.191 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SSI cũng dự kiến phát hành gần 110 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ phát hành 6:1, giá chào bán 10.000 đồng/cổ phiếu, dự kiến huy động tối đa 1.100 tỷ đồng. Sau đợt phát hành này, SSI dự kiến sẽ tăng nguồn vốn thêm hơn 3.000 tỷ đồng.
Theo tài liệu lấy ý kiến bằng văn bản trước đó, HSC cũng dự kiến chào bán 152,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn 50%. Giá chào bán là 14.000 đồng/cp, tương ứng với lượng vốn cần huy động 2.135 tỷ đồng.
Ngày 1/6 vừa qua, VNDirect cũng đăng ký chào bán 214,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá phát hành 10.000 đồng/cp. Ước tính với giá chào bán như trên, số tiền mà Chứng khoán VNDirect thu về từ đợt phát hành là hơn 2.145 tỷ đồng.
Như vậy, thời gian tới, các công ty chứng khoán sẽ huy động hàng ngàn tỷ đồng, dự kiến thị trường sẽ có nhiều thay đổi mới.
Thực tế, các doanh nghiệp chứng khoán cũng đã có kết quả kinh doanh vô cùng rực rỡ thời gian qua. Đặc biệt là khi dòng tiền đang ồ ạt chảy mạnh vào thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán có cơ hội tốt cần tận dụng để tăng vốn.
Giới chuyên gia nhận định, giải pháp bền vững nhất để đáp ứng nhu cầu vốn cho thị trường chứng khoán vẫn là tăng cường vốn tự có của chính công ty chứng khoán.