Những cổ phiếu giúp nhiều nhà đầu tư 'mang tiền về cho mẹ' trong năm 2021
(DNTO) - Nhiều cổ phiếu đã có đà tăng chóng mặt trong năm qua giúp nhiều nhà đầu tư chứng khoán có thể “mang tiền về cho mẹ” và có một cái Tết khá tươm tất.
“Mang tiền về cho mẹ. Đừng mang ưu phiền về cho mẹ...”, những lời bài hát đã thực sự gây sốt trong giới trẻ những ngày qua khi Tết Nguyên đán đã cận kề. Chắc hẳn có người vui người buồn khi nghe bài hát bởi một năm qua dịch bệnh bùng phá gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống mưu sinh nhiều bạn trẻ.
Tuy nhiên nhìn lại một năm qua, thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ với nhiều mã cổ phiếu bật tăng nhiều lần so với đầu năm, thậm chí đạt mức tăng tới 1.000% so với vài tháng trước. Nhờ đó, sau một năm theo đuổi thị trường, nhiều nhà đầu tư chắc chắn có một mùa Tết sung túc nên việc họ dành những điều tốt đẹp nhất cho người thân gia đình, trong đó có mẹ mình là điều không có gì khó hiểu.
Tiêu biểu như cổ phiếu TGG của Công ty cổ phần Louis Capital là cổ phiếu thuộc "họ Louis". Đầu năm 2021, TGG chỉ ở mức 1.240 đồng/cổ phiếu, thì đến phiên cuối cùng của năm, TGG đạt mức 18.500 đồng/cổ phiếu, với mức tăng đạt tới 1.400%. Ở giai đoạn đỉnh cao, TGG còn đạt tới 64.800 đồng/cổ phiếu tại ngày 20/9.
Mặc dù sau thời gian tăng mạnh sau đó TGG bắt đầu đổ đèo lao dốc, tuy nhiên với mức tăng mạnh như trên, nhiều nhà đầu tư cũng đã tranh thủ chốt lời rút chân đúng thời điểm.
Cũng gây chú ý trong năm qua là cổ phiếu LIC của Tổng Công ty Licogi. Từ tăng mạnh từ mức giá 8.500 đồng/cp ngày 4/1/2021, LIC đã chạm mốc 66.500 đồng/cp ngày cuối năm, tăng gần 700%. Đỉnh điểm vào tháng 11, mã này đã đạt mức tăng trưởng như mơ khi tiến tới mức giá 111.000 đồng/cổ phiếu.
Ngoài ra còn có thể kể đến như ATA của Công ty cổ phần Ntaco, với mức tăng 21,5 lần từ mức giá vỏn vẹn 200 đồng hồi cuối năm ngoái lên mức 4.300 đồng/cp hiện nay. Cổ phiếu NOS của CTCP Vận tải biển và Thương mại Phương Đông với mức tăng 1.250% trong năm vừa qua. Cổ phiếu PTO của Công ty cổ phần Dịch vụ-Xây dựng Công trình Bưu điện tương ứng mức tăng tới 1.162,5% trong năm...
Một điều đáng chú ý là đà tăng các mã này thường không bền và không phải doanh nghiệp nào cũng có tình hình kinh doanh tốt, nếu không muốn nói nhiều công ty thậm chí còn rơi vào tình tạng thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Mặc dù vậy không thể phủ nhận một điều dòng tiền vẫn ồ ạt chạy vào các mã tăng mạnh này, góp phần đẩy thanh khoản thị trường lên cao, đưa dòng vốn của nhiều nhà đầu tư sinh lời tốt với các mã này.
Phát biểu trong một hội thảo về chứng khoán gần đây, ông Nguyễn Đức Nhân, Giám đốc Trung tâm kinh doanh, Chứng khoán KB, cho biết, nhiều mã tăng mạnh, tăng không điểm dừng, nhiều mã âm vốn chủ sở hữu vẫn tăng 10, 20 lần. Điều này kích thích lòng tham lớn.
"Chứng khoán Việt Nam hay thế giới thì bản chất như nhau, ước mơ khao khát làm giàu như nhau. Nhà đầu tư càng trẻ thì sự chấp nhận mạo hiểm càng ở mức cao", ông Nhân cho biết và nhấn mạnh: "Những chuyên gia như mình đầu tư không đạt lợi nhuận như các nhà đầu tư mới trong giai đoạn vừa qua".
Nói như vậy cũng không có nghĩa là không có nhà đầu tư nào chịu thua lỗ khi đua chen với các cổ phiếu nóng trên. Quan trọng nhất vẫn là việc nhà đầu tư cần xây dựng một chiến lược đầu tư bài bản, đưa ra các quy tắc cắt lỗ và tuyệt đối tuân theo và đừng bao giờ để giá xuống đáy sau khi đã vẽ hình cây thông thì xuân này sẽ khó "mang tiền về cho mẹ".