Những cách gì để doanh nghiệp tham gia nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19?
(DNTO) - Chiều 3/6, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021, khi nói về cách để doanh nghiệp tham gia nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết, để có vaccine cho người dân sớm nhất, Chính phủ khuyến khích tất cả địa phương, doanh nghiệp có điều kiện, có nguồn vaccine cùng tham gia.
Theo ông Cường, có hai cách tham gia: Một là huy động tiền đóng góp cho Quỹ vaccine ngừa Covid-19, hai là trực tiếp nhập khẩu vaccine từ nguồn rất tin cậy. Về kiểm soát chất lượng, ông Cường nhấn mạnh, vaccine lần này nhập khẩu trong tình trạng khẩn cấp nên có một số đặc thù. Chất lượng vaccine được nhà sản xuất đảm bảo, nhưng những hiệu quả hay phản ứng vẫn cần tiếp tục theo dõi, không giống như một số loại vaccine đã sử dụng từ lâu.
Cùng với đó, việc bảo quản vaccine trong điều kiện rất ngặt nghèo. Vì nhập vaccine trong điều kiện khẩn cấp nên một số nội dung chưa kiểm định được. “Chúng ta phải chấp nhận vaccine do Tổ chức Y tế thế giới WHO đã cấp chứng nhận, hoặc do Cục quản lý dược, Bộ Y tế của một số nước cấp, chấp nhận một số điều kiện không kiểm định được”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, cách kiểm soát tốt nhất là trực tiếp mua của các nhà sản xuất mà không thông qua các công ty trung gian.
Trả lời về việc làm thế nào để đảm bảo an toàn cho các khu công nghiệp, khu chế xuất trước dịch Covid-19, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết các khu công nghiệp đóng vai trò quan trọng tới “mục tiêu kép”. Tuy nhiên, đây cũng là nơi nếu có dịch thì lan rất nhanh, vì tập trung đông người, biến chủng virus SARS-CoV-2 không chỉ lây qua giọt bắn mà còn lây qua không khí, do đó việc đeo khẩu trang là rất quan trọng.
Ông Cường nhấn mạnh: “Chính phủ và Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân khu công nghiệp. Chúng tôi đã phân bổ Bắc Ninh, Bắc Giang mỗi tỉnh 150.000 liều. Bộ Y tế cũng chỉ đạo CDC các tỉnh quan tâm phòng chống dịch tại các khu công nghiệp. Đặc biệt, cần chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly, tránh cách ly đông người, gây lây nhiễm chéo”.